Không giống như kỳ vọng của giới phân tích phố Wall, giá vàng thế giới mở phiên đầu tuần đã tiếp đà lao dốc. Giá kim loại quý đã bốc hơi tiếp 9 USD/ounce, lùi về 1.772 USD/ ounce trên sàn giao dịch Hong Kong.
Giá vàng đi xuống trước trong bối cảnh đồng USD lặng sóng và bị tác động bởi lời cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ và đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới sớm nhất vào tháng 8/2021 nếu như các nhà lập phát chưa có động thái nâng giới hạn vay.
Cùng với đó, trong tuần này, Mỹ cũng sẽ công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 6, đây sẽ là chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed.
Trong vài tuần qua, giá vàng đã giảm sâu từ 1.900 USD/ounce xuống dưới mốc 1.800 USD, tương đương mức giảm hơn 6%. Tuy nhiên, theo chuyên gia từ CryptoVibes, giá vàng giảm càng sâu, cơ hội mua vàng càng tăng. Trong quý I/2021, các ngân hàng trung ương đã mua 95,5 tấn vàng và cất giữ trong kho dự trữ. Giới phân tích tin rằng, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng nếu như giá vàng tiếp đà giảm.
Đi ngược với giá vàng thế giới, vàng trong nước biến động trái chiều với biên độ dao động khoảng 50.000 - 100.000 đồng/lượng. Tăng 50.000 đồng chiều mua và giảm 50.000 đồng chiều bán, hiện giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện niêm yết tại 56,55 - 57,05 triệu đồng/lượng.
Vàng Doji hiện giao dịch tại 56,66 - 56,95 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay vẫn giữ nguyên ở mức 23.169 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.975 - 23.814 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận mốc 22.830 - 23.060 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.945 - 23.135 đồng/USD.