Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 vừa ban hành ngày 17/01/2023 nêu rõ, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.
Phó Thống đốc nhận định điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.
Khẳng định điều hành lãi suất và tỷ giá là một trong những nội dung trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho rằng chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… đều được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đánh giá.
“Việc điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay", Phó Thống đốc cho hay.
Ông khẳng định nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.
Trong điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ.
Đồng thời, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Chỉ thị 01/CT-NHNN xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
Một là, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hai là, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.
Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng; trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.
Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các quy định trong hoạt động ngân hàng.
Sáu là, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của Ngành đã ban hành.