Những tội mà bị can được đưa xét xử là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng giá chứng khoán”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, và tội “Giả mạo trong công tác”.
Lập danh sách 103 cổ đông giả để “lên” sàn chứng khoán
Theo cáo trạng, Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (Công ty MTM) được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trụ sở tại TP Vinh (Nghệ An). Các cổ đông của Công ty chưa góp vốn và Công ty cũng không tiến hành khai thác khoáng sản. Tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Hamico) đã mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim loại tại Nghệ An.
Sau đó, dù Công ty không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Dĩnh vẫn chỉ đạo em gái là Nguyễn Thị Hiên và Ngô Văn Hiến (Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (Công ty Tây Bắc) làm giả hồ sơ cho Công ty MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, các đối tượng đã làm giả danh sách 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần tương đương 310 tỷ đồng (thực tế, 103 người này đều không thực hiện việc góp vốn, họ đều là người thân, quen của Dĩnh; làm giả chứng từ tăng “vốn thực góp” Công ty MTM lên 310 tỷ đồng); làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, phiếu thu, phiếu chi, chứng từ ngân hàng giữa Công ty MTM với các công ty khác trong nhóm do Dĩnh sở hữu, góp vốn tham gia liên kết… nhằm thể hiện Công ty MTM có hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận. Làm giả các tài liệu nêu trên xong, Hiên và Hiến chuyển vào Nghệ An.
Sau đó, Dĩnh đã chỉ đạo Hiên, Hiến quan hệ với các cán bộ ngân hàng làm giả chứng từ. Theo cáo trạng, hai người này đã quan hệ với các cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội) và cán bộ Ngân hàng TMCP Tiên Phong – chi nhánh Tây Hà Nội (Ngân hàng TPBank Tây Hà Nội) làm giả chứng từ thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng của Công ty MTM với các công ty liên quan tổng số tiền hơn 458 tỷ đồng.
Cụ thể, Hiên nhờ các cán bộ BIDV Nam Hà Nội giúp “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm của BIDV qua các tài khoản trong nhóm Công ty của Dĩnh mở tại BIDV Nam Hà Nội để lập chứng từ giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền. Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2015, các cán bộ BIDV Nam Hà Nội đã làm giả 143 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền với tổng số hơn 355 tỷ đồng cho Công ty MTM và các công ty liên quan.
Tương tự BIDV Nam Hà Nội, tháng 10/2014, Dĩnh chỉ đạo Hiến liên hệ nhờ cán bộ TPBank Tây Hà Nội làm giả chứng từ góp vốn 130 tỷ đồng cho Công ty MTM với hình thức “chạy khoản” dòng tiền qua các công ty liên quan và cấp chứng từ. Hiến đã thông qua Nguyễn Văn Tuân để người này đặt vấn đề với Lê Thị Hằng Nga (Giám đốc TPBank Tây Hà Nội) để làm giả 7 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút séc.
Cơ quan chức năng xác định Dĩnh có vai trò chủ mưu, chỉ đạo điều hành các đối tượng làm giả hồ sơ góp vốn của 103 cổ đông, báo cáo tài chính… để lừa dối các cơ quan chức năng đăng ký là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán. Trong vụ án này, Dĩnh bị truy tố, đưa ra xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” cùng những đồng phạm khác.
Sử dụng hàng chục tài khoản để thao túng giá cổ phiếu
Theo cáo trạng, từ tháng 6/2015 đến ngày 17/6/2016, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công biết Công ty MTM không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đã hoàn thiện hồ sơ để đăng ký niêm yết cổ phiếu tại HNX. Tuy nhiên, Tiệp, Công vẫn tiếp nhận hồ sơ Công ty MTM.
Sau đó, Tiệp và Công đã có hành vi gian dối như thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của Công ty MTM đăng ký giao dịch trên sàn upcom; chỉ đạo Bùi Thiên Lý, Đỗ Hữu Tài sử dụng 59 tài khoán giao dịch chứng khoản tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu MTM.
Cơ quan điều tra xác định, Tiệp và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng cho các nhà đầu tư cổ phiếu MTM, trong đó chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư; đã xác định được 822 nhà đầu tư sở hữu hơn 12,2 triệu cổ phiếu với tổng số tiền bị chiếm đoạt 17 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định bị cáo Tiệp còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán cổ phiếu MTM. Bị cáo Tiệp bán cổ phiếu MTM cho một số cá nhân. Sau đó, cổ phiếu không lưu ký được, bị hủy đăng ký giao dịch nhưng bị cáo Tiệp không hoàn trả tiền mà chiếm đoạt. Với hành vi này, Tiệp bị truy tố xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Phùng Thành Công đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách rút tài liệu, xử lý sau khi bắt được.
Vụ án này vừa được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử nhưng do vắng mặt một số bị cáo đang tại ngoại và luật sư nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi các cá nhân, đơn vị.