Ngày pháp luật

Một tuần chìm nổi của giá vàng

Giang Phạm

Nếu khách hàng mua giá vàng vào mức đỉnh trong ngày 6/8, hiện vẫn đang chịu lỗ 8,3 triệu đồng/lượng khi bán ra.

Hơn một tuần kể từ khi kim loại quý thiết lập đỉnh kỷ lục của mọi thời đại ở mức 2.078 USD/oune vào ngày 6/8, chốt phiên giao dịch ngày 14/8, giá vàng thế giới còn 1.944 USD/ounce.

Như vậy, so với giá vàng đạt đỉnh một tuần trước, giá kim quý hiện tại đã mất 131 USD/ounce. Với mức giá này, tính chung cả tuần, vàng giao ngay đã giảm 4,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 3, đồng thời chấm dứt chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp trước đó của vàng. 

Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới hiện tại tương đương với 54,3 triệu, thấp hơn giá vàng trong nước gần 2 triệu đồng.

Theo đà tăng thế giới, giá kim loại quý trong nước có cú bứt phá để tiệm cận mức đỉnh 62,45 triệu vào ngày 7/8. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử vàng trong nước. 

Tuy nhiên, cũng ngay khi đạt đỉnh, giá vàng thế giới quay đầu giảm đã khiến thị trường trong nước hạ nhiệt theo. Thậm chí có phiên lao dốc theo chiều dựng đứng, mất ngay xấp xỉ 13 triệu đồng/lượng so với mức kỷ lục. Sau 6 phiên giảm giá liên tiếp, cuối tuần này giá vàng miếng SJC của Công ty SJC được bán ra ở mức 56,1 triệu đồng, thấp hơn hôm đạt đỉnh lần lượt là 6,3 triệu đồng. 

Chênh lệch mua - bán vẫn được giữ ở biên độ rộng, xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, việc ấn định chênh lệch giá mua - bán quá xa do các công ty vàng e ngại rủi ro khi vàng thế giới quay đầu một lần nữa. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa người mua sẽ khó có lãi, thậm chí bị ép giá.

Với mức chênh lệch gần 2 triệu đồng ở thời giá hiện tại, chỉ người mua ở thời điểm giá vàng dưới mức 51 - 52 triệu đồng/lượng và bán ra ở thời điểm này mới được cho là có lãi. 

Tuy nhiên, nếu mua vào thời điểm vàng trong nước đạt đỉnh kỷ lục ngày 7/8 với mức 62,45 triệu thì hiện bán ra vẫn lỗ hơn 8,3 triệu đồng/lượng.

Tin Cùng Chuyên Mục