Ngày pháp luật

Giá vàng có thể gấp 7,5 lần hiện nay vào cuối thập kỷ này?

Giang Phạm

Trước khi lập đỉnh cao mới 15.000 USD/ounce vào năm 2028, giá vàng có thể sẽ giảm xuống 1.700 USD, thậm chí 1.500 USD/ounce và tạo ra vùng mua hiệu quả với các nhà đầu tư.

Nhiều người ví von rằng, vàng thế giới chẳng khác gì như một cô nàng đỏng đảnh, tinh thần trồi sụt và rất khó đoán định.

Nếu như nhận được nhiều sự hậu thuẫn khiến nàng vui vẻ, chẳng có gì cản bước nàng đi lên, liên tục lập đỉnh mới. Thế nhưng, chỉ cần có chút vấn đề phát sinh thôi cũng làm nàng "tụt mood", khiến giá lao dốc nhanh, chỉ trong vài tiếng có thể mất cả trăm USD/ounce so với mức kỷ lục chưa từng có trong vòng 7 năm qua.

Sau khi có bước lùi về ngưỡng dưới 1.900 USD/ounce dù vàng vẫn đang nỗ lực lấy lại vị thế trong mắt giới đầu tư. Thế nhưng liệu rằng, sự sụt giá này đã đến hồi kết hay cô nàng "vàng" kia vẫn mải mê với cuộc truy đuổi, đặt ra giới hạn an toàn trước khi lập một đỉnh cao mới trong tương lai?

Dự báo vàng sẽ giảm giá mạnh, có thể lùi về ngưỡng 1.700 USD/ounce

Sau khi giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce vào ngày 12/8, vàng đã có sự hồi phục khi duy trì quanh mức 1.930 USD/ounce trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch tiếp theo.

"Thế nhưng xu hướng giảm có thể chưa kết thúc”, ông Leigh Goehring, đối tác quản lý của Goehring & Rozencwajg Associates nhận định.

Goehring cho rằng dưới tác động của một vài yếu tố như tốc độ mua vàng nhanh từ các quỹ ETF, đồng USD lấy lại được vị thế, vàng có thể giảm xuống mức 1.700 USD/ounce, thậm chí 1.500 USD trong năm nay trước khi tăng ngược trở lại mức kỷ lục mới trên 2.000 USD. 

Vàng được dự đoán sẽ còn tăng kỷ lục hơn nữa, nhưng trước khi muốn lập đỉnh, kim loại quý này phải lùi về mốc 1.500 USD/oune.
Vàng được dự đoán sẽ còn tăng kỷ lục hơn nữa, nhưng trước khi muốn lập đỉnh, kim loại quý này phải lùi về mốc 1.500 USD/oune.

Theo vị chuyên gia này, từ nay đến cuối năm giá vàng sẽ thấp hơn nữa khi nền kinh tế bắt đầu mạnh lên, nhiều người trở lại làm việc bình thường. Ông đánh giá đây là một cơ hội mua vàng tốt trước khi giá kim quý tăng trở lại vì vấn đề lạm phát.

Goehring một mực cho rằng, vàng phải giảm về mốc 1.500 - 1.700 USD/ounce trước khi muốn chinh phục các đỉnh cao mới. Ông dự đoán đợt giảm giá nói trên có thể xảy ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. 

Những mức giá "cao không tưởng" trong dài hạn

Trong khi đó, về dài hạn, một số chuyên gia lại có nhận định theo chiều ngược lại. Ở một bài chia sẻ với CNBC gần đây, Frank Holmes, Giám đốc điều hành Công ty US Global Investors dự đoán vàng chạm ngưỡng 4.000 USD/ounce. Con số này đã khiến không ít người nghi ngại, cho rằng đây là mức cao không tưởng.  

Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa là gì. Khi được hỏi về mức mà kim loại quý này có thể sẽ chinh phục, Goehring dự đoán con số đó sẽ là 15.000 USD/ounce vào cuối thập kỷ này. Nếu điều này trở thành hiện thực, tức là giá vàng sẽ gấp 7,5 lần mức giá hiện nay. 

“Sau khi biết được số lượng vàng mà chính phủ Mỹ đang nắm giữ, so với bảng cân đối của Cục dự trữ liên bang (Fed), bạn có thể nhận được mức giá bán vàng trung bình, khoảng từ 10.000 - 20.000 USD. Mục tiêu chinh phục của giá vàng sẽ là 10.000 - 15.000 USD, xảy ra vào khoảng năm 2027 - 2028", Goehring nói.

Theo vị chuyên gia này, một trong những động lực chính khiến kim loại quý này tăng giá đó là nguồn cung vàng giảm. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các chương trình khai thác vàng tạm dùng hoặc phải hủy, nhiều công ty "đào" vàng gặp khó.

Đơn cử như tổng sản lượng vàng thu được tại Nam Phi giảm hơn 15% trong quý II, hay sản lượng khai thác vàng tại công ty Argonaut Gold của Mexico đã giảm 22% xuống 31.151 ounce, theo Kitco. Điều này đã buộc Argonaut Gold sáp nhập với Alio, một công ty khai thác vàng khác ở Mexico để cùng nhau vượt khó.

Bên cạnh nguồn cung vàng giảm, Goehring cho rằng lạm phát chính là môi trường thuận lợi nhất cho vàng. Giá vàng thế giới đang bị tác động nhiều bởi các gói cứu trợ, chỉ tính riêng gói cứu trợ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã lên tới nghìn tỷ USD và có thể sẽ còn cao hơn. Nếu dịch bệnh chưa thể khống chế, các gói cứu trợ vẫn tiếp tục được bơm ra, vàng khó lòng có thể giảm giá.

Không dừng lại ở gói cứu trợ, đồng tiền chính của thế giới là USD đang xuống giá cũng là động lực thúc đẩy cơn sốt vàng. Bởi lẽ vàng và USD vốn thường biến động trái chiều nhau nên đồng bạc xanh càng mất giá, sẽ càng "tôn" vàng lên cao.

Theo các nhà kinh tế, sự tăng giá của vàng còn được thúc đẩy bởi việc nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương, dẫn tới lãi suất thực âm. Khi lãi suất thực âm kéo dài, vàng vẫn là một loại tài sản rất hấp dẫn. 

Dẫu biết vàng luôn là tài sản hấp dẫn, nhưng tương lai vốn khó đoán định của vàng liệu có chinh phục mốc 15.000 USD/ounce trong 7 - 8 năm nữa như dự đoán? Tất cả đều mong ngóng câu trả lời. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục