Mở cửa giao dịch sáng ngày 14/8, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch ở mức bán ra - mua vào lần lượt là 57,72 - 54,95 triệu đồng/lượng.
Việc tăng hơn 2 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều đã kéo vàng lại gần hơn với mức giá đạt đỉnh hôm 6/8, khoảng cách chênh lệch chỉ còn 4,7 triệu đồng.
Cùng lúc này, giá vàng tại Tập đoàn vàng bạc Doji cũng giao dịch ở 56,5 - 55,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 1,8 triệu ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng ở chiều bán ra so với cuối chiều qua.
Theo ghi nhận, tại thị trường Hà Nội, mấy ngày trước, ở một số cửa hàng vàng lớn, khách đến bán trên 2 cây sẽ nhận được giấy hẹn 9 ngày sau mới quay lại lấy tiền thanh toán. Tuy nhiên, chia sẻ với Doanhnhan.vn ngày 14/8, đại diện các cửa hàng này cho biết hiện khách bán sẽ được nhận tiền thanh toán ngay.
Tại thị trường quốc tế, chốt phiên giao dịch phiên Mỹ ngày 13/8, giá vàng thế giới giao ngay đã tăng 48 USD so với giá chạm đáy ngày hôm qua, đạt 1.955 USD/ounce.
Đến 8h30 sáng ngày 14/8 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới còn 1.953 USD/ounce. Có thời điểm giữa phiên, giá kim loại quý đã chạm mốc 1.962 USD nhưng sau đó một tiếng lùi về giao dịch ổn định quanh ngưỡng 1.950 USD. So với đầu năm 2020, giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 27,4% (417 USD/ounce).
Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng hôm qua đi lên nhờ lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3, số liệu đơn xin trợ cấp trong tuần trước của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu. Dẫu vậy, vẫn có ít nhất 28 triệu người Mỹ vẫn đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp, điều này tạo lên một áp lực mới lên thị trường lao động của xứ sở cờ hoa.
Cùng với đó, giá trị đồng USD hôm qua cũng giảm 0,2% so với các tiền tệ lớn khác. Điều này khiến vàng càng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.
Vàng thế giới có dấu hiệu ổn định trở lại nhưng một số dự báo cho rằng, đợt điều chỉnh giảm có thể còn tiếp tục và đây sẽ là cơ hội để cho các nhà đầu tư bắt đáy mua vào.