Liên tục tăng vốn khủng
Sáng ngày 24/4, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – mã CK: ORS) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 2.551 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 286 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2023.
Nhận định về năm 2024, lãnh đạo TPS đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn các biến số về căng thẳng địa chính trị thế giới, tình hình đáo hạn trái phiếu trong nước đặc biệt là trái phiếu ngành bất động sản và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp; nền kinh tế phục hồi; hệ thống KRX vận hành cũng cố cho khả năng nâng hạng và giúp thanh khoản cải thiện; thị trường trái phiếu phục hồi trở lại khi nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn lớn, việc các dự án dần được tháo gỡ về pháp lý là tiền đề cho hoạt động huy động vốn và cơ cấu nợ.
Tại Đại hội, cổ đông TPS cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ với các phương án như phát hành 36 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 100:12 (12%), dự kiến trong quý 2/2024. Bên cạnh đó, TPS sẽ phát hành tối đa 14,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp; dự kiến triển khai trong quý 2-3/2024, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Ngoài ra, TPS còn phát hành 210,3 triệu cổ phiếu thông qua phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến là 2:1,2), với giá phát hành không thấp hơn mệnh giá. Thời gian dự kiến triển khai trong quý 3-4/2024 cho đến hết quý 2/2025. Nếu thực hiện thành công cả 3 phương án phát hành, vốn điều lệ của TPS sẽ tăng từ 3.000 tỷ lên 5.608 tỷ đồng.
Trước đó, TPS cũng đã hoàn tất tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Việc liên tục tăng vốn khiến cổ đông lo ngại về rủi ro “pha loãng” cổ phiếu. Ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT TPS đánh giá chứng khoán Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh trong giai đoạn 2024-25, do đó, để tận dụng cơ hội này, TPS phải tăng vốn mạnh để tăng quy mô cho vay margin.
Đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu
Về định hướng kinh doanh, bà Bùi Thị Thanh Trà, Tổng Giám đốc TPS cho biết công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, tư vấn trái phiếu doanh nghiệp. TPS sẽ chú trọng trái phiếu niêm yết, lựa chọn tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín, theo các chuẩn mực của 5C để tư vấn và phân phối đến các nhà đầu tư.
Trái phiếu cũng là vấn đề được cổ đông TPS rất quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, cụ thể là khoản đầu tư trái phiếu DGTH2224001 của CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (mã DGT) với giá trị gần 200 tỷ đồng. Trái phiếu DGTH2224001 có mệnh giá 350 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, từ 22/2/2022-22/2/2024, sau đó được gia hạn đến năm 2026. Lãi suất cố định 11%/năm.
Tài sản đảm bảo là 12 triệu cổ phiếu của DGT thuộc sở hữu của cổ đông công ty và hợp đồng thuê đất, tài sản gắn liền trên đất của lô đất diện tích 15.550 m2 tại phường Tràng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 25/8/2023 và 19/9/2023, tổng giá trị lô trái phiếu này giảm về hơn 239,5 tỷ đồng. Theo cập nhật đến tháng 3/2024, DGT vẫn chưa thanh toán được hơn 30,6 tỷ đồng tiền lãi lô trái phiếu này.
Đáng chú ý, theo BCTC kiểm toán năm 2023, lãi ròng DGT đạt 88,3 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với lỗ hơn 41,3 tỷ đồng năm 2022 trước đó. Dù vậy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại âm 279 tỷ đồng với ảnh hưởng từ việc tăng các khoản phải thu, giảm các khoản phải trả. Thời điểm cuối năm 2023, các khoản phải thu ngắn hạn của DGT đã tăng gấp 1,7 lần đầu kỳ, lên đến hơn 1.164 tỷ đồng, chiếm đến gần 72,5% tổng tài sản.
Trong bối cảnh dòng tiền hạn chế, DGT còn phát sinh nhiều giao dịch cho vay và hợp tác đầu tư đối với các cá nhân. Điều này khiến cổ đông đặt câu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động quản trị tài chính của DGT, cũng như tính rủi ro của lô trái phiếu DGTH2224001 mà TPS sở hữu.