Chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu
Sáng ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội có sự tham dự của 108 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 1,76 tỷ cổ phần, chiếm tỷ lệ 80,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo đó, ĐHĐCĐ TPBank 2024 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
Để đạt được mục tiêu trên, tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng.
Với gia tốc và năng lực đáp ứng khách hàng trên nền tảng số, TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng, đạt mốc 15 triệu trong năm 2024.
Hiện thực hóa mục tiêu 2024, ngay tại báo cáo tài chính quý I/2024, kết quả kinh doanh của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 4.700 tỷ đồng.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội về kết quả kinh doanh, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank gần như đã chốt hết những gánh nặng trong năm 2023 khi tập trung tăng cường trích lập dự phòng. Như vậy, sang năm nay 2024, những gánh nặng này sẽ không còn ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng.
"Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đến thời điểm này khá khả quan. Trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận TPBank đạt 1.829 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 4 đạt hơn 2.500 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu cũng đang giảm dần", ông Hưng nói.
Năm nay, TPBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hưng đây là mục tiêu thận trọng, ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo dưới 2% vì nợ xấu thấp, dự phòng thấp sẽ giúp ngân hàng đảm bảo lợi nhuận. Dự kiến trích lập dự phòng rủi ro năm 2024 quanh mức 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cổ đông cũng thông qua nội dung chia cổ tức tiền mặt và chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2024. Tờ trình này vừa được ngân hàng bổ sung ngay trước ngày tổ chức đại hội. Cụ thể, TPBank đề xuất chia cổ tức 5% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023.
AGM năm 2024 cũng thông qua tờ trình đề xuất phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng thêm hơn 4.403 tỷ đồng, lên 26.419 tỷ đồng.
Nóng khoản cấp tín dụng nghìn tỷ với Vinahud
Trong phần thảo luận, các cổ đông đã đặt câu hỏi về dư nợ cho vay, cũng như rủi ro của nhóm khách hàng là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) và Tập đoàn Hưng Thịnh tại TPBank.
Phản hồi về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú cho biết dư nợ của nhóm khách hàng này không quá lớn. Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank cho biết thêm dư nợ của Novaland chỉ có một khoản trái phiếu, một khoản vay ở dự án được đánh giá là khá tốt, có khả năng thu hồi nợ cao. Còn lại chủ yếu là khoản vay cá nhân mua dự án, tổng số mua nhà của Novaland khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng.
Đối với nhóm Hưng Thịnh, ông cho biết dư nợ của nhóm này đã được xử lý xong, trong đó phần lớn được các đối tác khác của Hưng Thịnh mua lại. Về dư nợ nhóm Hưng Thịnh, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng đã xử lý xong, trong đó, phần lớn được các đối tác khác của Hưng thịnh mua lại.
Một trong những vấn đề đáng chú ý được đưa ra trong phần thảo luận là khoản vay mà TPBank giải ngân cho CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud nhằm thực hiện thương vụ M&A “nội bộ” với CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group).
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/4/2023, các cổ đông Vinahud đã thông qua tờ trình mua 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends với mức giá 987,5 tỷ đồng; mua 100% Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng, tức tổng giá phí 1.937,5 tỷ đồng.
Trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.710 tỷ đồng sẽ được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HSX: TPB), gấp 2,9 lần tổng tài sản và 4,2 lần vốn chủ sở hữu của Vinahud tại thời điểm đầu năm 2023.
Đây đều là các pháp nhân thuộc hệ sinh thái của R&H Group. Đáng chú ý hơn, loạt thương vụ M&A “nội bộ” kể trên diễn ra không lâu trước khi lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn (từ ngày 14/4-3/5/2023).
Đáng chú ý, TPBank cùng TPS cũng là bên thu xếp cho R&H Group phát hành tới 8.150 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong ít tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trở lại với Vinahud, cập nhật tại ngày 31/12/2023, đơn vị này đã vay TPBank gần 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản vay lớn nhất của Vinahud, và chiếm đến gần một nửa tổng cơ cấu nguồn vốn công ty.
Thực trạng KQKD của Vinahud cũng là vấn đề đáng bàn khi báo cáo tự lập quý IV/2023 cho thấy công ty đã lỗ hơn 200,3 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 21,3 tỷ đồng. Do đó, lỗ sau thuế chưa phân phối công ty tại ngày 31/12/2023 lên đến hơn 170,2 tỷ đồng.
Giữa tháng 4 vừa qua, Vinahud đã công bố thông tin về việc gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, công văn gia hạn nộp BCTC kiểm toán năm 2023, và xin tạm hoãn nộp Báo cáo thường niên năm 2023.Nhìn nhận về vấn đề này, TGĐ TPBank ông Nguyễn Hưng cho biết nguyên tắc của nhà băng là đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo rủi ro.
“Ở đây không có câu chuyện đảo nợ" vì đây là hoạt động không được phép theo quy định. Chúng tôi đáp ứng đúng quy định ngân hàng, các phương án đủ điều kiện cho vay và tuân thủ quy định pháp luật. Câu chuyện rủi ro tín dụng là vấn đề hệ trọng với nhà băng, nên TPBank không mạo hiểm. Các dự án mà TPbank cho vay có cơ sở đảm bảo tốt, pháp lý đầy đủ, có hiệu quả trong tương lai”, ông Hưng nói thêm.