Để bảo vệ giá trị của tài sản, một cách tự nhiên là sẽ tối thiểu lượng tiền mặt nắm giữ. Nhưng ngay sau đó, phải tìm câu trả lời cho câu hỏi: vậy đầu tư vào cái gì?
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực tài chính đã cho thấy trước đây, các loại tài sản như kim loại quý (phổ biến là vàng), thị trường hàng hóa (commodities), bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu có bảo vệ lạm phát (Treasury inflation-protected securities aka - TIPS), hay thậm chí gần đây là tiền mã hóa bitcoin đều có tác dụng chống lạm phát.
Nhưng đó là những kết quả mang tính đại diện của các nghiên cứu. Việc đầu tư vào một lớp tài sản có thể khác biệt nhiều với một vài tài sản cụ thể trong lớp tài sản đó. Ví dụ cũng là bất động sản, nhưng tài sản cụ thể là khác nhau giữa bất động sản hữu hình như nhà phố, căn hộ... với quỹ đầu tư vào cổ phiếu các công ty bất động sản, hay quỹ đầu tư vào các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão tư nhân.
Các loại tài sản như kim loại quý (phổ biến là vàng), thị trường hàng hóa (commodities), bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu có bảo vệ lạm phát (Treasury inflation-protected securities aka- TIPS), hay thậm chí gần đây là tiền mã hóa bitcoin đều có tác dụng chống lạm phát.
Kim loại quý được giao dịch trên thị trường cũng không chỉ có vàng. Bên cạnh vàng còn có bạc, platinum, và palladium. Còn hàng hóa thì đa dạng vô cùng, từ năng lượng như dầu hỏa, gas, đến các sản phẩm nông nghiệp như thịt gia súc, cà phê, đậu nành... Và cổ phiếu thì còn đa dạng hơn nhiều nữa. Sự khác biệt từ nhóm ngành, quy mô vốn hóa, cơ hội tăng trưởng, cho đến thị trường hoạt động, thị trường niêm yết.
Không những vậy, việc tiếp cận được các loại tài sản đề cập ở trên là không giống nhau ở các nền kinh tế. Với những nước có thị trường tài chính phát triển thì việc tiếp cận thuận lợi dễ dàng hơn, chi phí giao dịch và nắm giữ vì thế cũng rẻ hơn các thị trường kém phát triển hay không có khả năng tiếp cận. Một minh chứng là gần đây, khi Venezuela bị siêu lạm phát, nhu cầu bitcoin hay một số loại tiền mã hóa khác tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê hai tháng đầu năm 2021, chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới đã tăng khoảng 20%, các mặt hàng nhiên liệu, phi nhiên liệu, nguyên liệu thô trong nông nghiệp đều tăng giá xoay quanh mức này, đặc biệt kim loại cơ bản tăng gần 50%. Thêm vào đó, Fed cũng vừa phát đi thông điệp là giữ lãi suất điều hành, lạm phát sẽ tăng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh đến mức 6,5%. Một khi nền kinh tế lớn như Mỹ rục rịch lạm phát, thì ảnh hưởng của nó đến các nền kinh tế khác, nhất là những nước có kim ngạch thương mại quan trọng, sẽ không hề nhỏ.
Nếu lạm phát vượt mức dự kiến là 4%, loại hình tài sản nào sẽ phù hợp ở Việt Nam?
Những kênh khả dĩ hiện nay sẽ là bất động sản, vàng, và chứng khoán. Nhưng các lớp tài sản này cũng có những nhược điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Với thị trường bất động sản, nhà đầu tư nhỏ không còn nhiều cơ hội khi mà vừa mới đây, có thông tin cho rằng tìm nhà giá dưới 2 tỉ đồng là đỏ con mắt ở Hà nội và TPHCM. Các dự án căn hộ mới hầu như không còn dưới mức giá này. Tuy vậy, với nhiều nhà đầu tư, cái khó sẽ ló cái khôn. Có thể dưới hình thức “mua chung”, một số nhà đầu tư cá nhân sẽ cùng nhau lập một doanh nghiệp siêu nhỏ, như cách mà nhiều cá nhân ở các nước phương Tây đầu tư vào bất động sản cho thuê.
Ở Việt Nam cũng đã có các quỹ đầu tư chuyên về bất động sản, và đây cũng là một kênh đáng quan tâm. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ càng trong bảng cáo bạch, danh mục đầu tư là các bất động sản hữu hình hay bao gồm cả cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Thị trường quỹ đầu tư vào bất động sản hữu hình như căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cửa hàng ở những khu phố trung tâm sầm uất, khu công nghiệp... với những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập là phổ biến ở nhiều nước phát triển. Việt Nam chắc sẽ sớm có những quỹ đầu tư chuyên biệt như thế này để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư.
Trong trường hợp đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, sẽ là an toàn hơn nếu đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, nằm trong VN30, hoặc có quá trình kinh doanh ổn định trong khoảng năm năm vừa qua.
Với thị trường vàng, phần lớn nhà đầu tư ở Việt Nam chỉ có thể tiếp cận thị trường vàng vật chất. Nói như vậy là bởi vì có ít người có thể tiếp cận được thị trường vàng thế giới qua các dạng sản phẩm tài chính một cách chính thống và hợp pháp.
Nhưng ngặt nỗi, thị trường vàng vật chất ở Việt Nam có phần cách biệt với thế giới, vì những lý do đặc thù nào đó mà giá vàng trong nước luôn có khoảng cách nhất định với giá thế giới, chưa kể việc có độ trễ trong biến động giá. Ngoài ra, chi phí giao dịch thể hiện ở chênh lệch giá mua với với giá bán cũng là đáng kể ở số lượng lớn.
Với thị trường chứng khoán, mà ở đây chính là cổ phiếu của các công ty niêm yết, thì niềm tin vẫn chưa có được ở phần lớn nhà đầu tư. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 2,8% dân số và mục tiêu đến năm 2025 sẽ là 5%.
Một cách đơn giản nhất là đầu tư vào một số cổ phiếu trong danh mục VN30 nhưng cũng cần sàng lọc nhất định. Nhiều dữ liệu trong quá khứ đã cho thấy cổ phiếu của các ngành năng lượng, sức khỏe, hàng tiêu dùng có tác dụng chống lại lạm phát rất tốt.
Khả năng xuất hiện lạm phát trong thời gian tới ở các nền kinh tế lớn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương lớn như Fed, ECB, BoJ hay BoE sẽ không sao nhãng mục tiêu quan trọng hàng đầu của mình là kiểm soát lạm phát, dù cũng phải ưu tiên việc làm.
Về phía mình, Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc duy trì lạm phát mục tiêu 4%. Nếu tình huống xấu đi, các nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn có những kênh để bảo vệ giá trị tài sản của mình, nhưng hiệu quả đến đâu, lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng người.
Link bài gốc