Ngày pháp luật

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 29/3 - 2/4

Theo Người đồng hành

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên 26/3, giá dầu Brent tương lai tăng 2,62 USD, tương đương 4,2%, lên 64,57 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,41 USD, tương đương 4,1%, lên 60,97 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 0,1%, WTI giảm 0,7% - tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 29/3 - 2/4 - Ảnh 1

Thị trường năng lượng trong tuần có nhiều phiên biến động đáng kể như giảm 6% hôm 22/3, phục hồi 6% phiên tiếp theo rồi lại “bốc hơi” 4%. Hai yếu tố chính ảnh hưởng giá dầu là Covid-19 và lưu thông trên kênh đào Suez bị ngừng trệ.

Tàu chở container Ever Given mắc cạn và chắn ngang kênh Suez, tuyến đường biển vận chuyển hơn 10% thương mại thế giới, từ ngày 23/3. Các nỗ lực giải cứu hiện chưa thành công.

Hệ quả, phí vận tải biển với các tàu chở dầu đã gần gấp đôi trong tuần trước. Nhiều tàu chọn chuyển hướng, vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, đồng nghĩa kéo dài thời gian hành trình.

Ngày 26/3, truyền thông Iran đưa tin ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã tới thăm nước này, ký thỏa thuận hợp tác 25 năm. Iran và Trung Quốc đều đang chịu một số lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Cùng ngày, lực lượng Houthi tuyên bố đã sử dụng 18 máy bay không người lái có vũ trang tấn công các cơ sở dầu mỏ và quân sự của Arab Saudi. Bộ Năng lượng Arab Saudi xác nhận một cơ sở phân phối xăng dầu ở thành phố Jazan bị tấn công khiến một bể chứa bốc cháy. Houthi cảnh báo họ sẽ tấn công mạnh hơn trong thời gian tới.

Sự kiện kênh đào Suez và Houthi tấn công ngành dầu Arab Saudi ảnh hưởng tích cực đến giá dầu trong ngắn hạn do nguồn cung ra thị trường bị hạn chế. Trong khi đó, Iran và Trung Quốc hợp tác về dài hạn lại tác động tiêu cực vì sẽ làm tăng cung.

Một biến số vẫn cần theo dõi là diễn biến đại dịch Covid-19 ở châu Âu và châu Á. Số ca nhiễm mới tăng đã khiến một số quốc gia phải tái triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng đà phục hồi lực cầu năng lượng.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu trong tuần kết thúc ngày 19/3 tăng 1,9 triệu thùng, tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, hoạt động lọc dầu có dấu hiệu tăng trở lại, cho thấy các cơ sở lọc dầu hầu hết phục hồi sau cơn bão mùa đông hồi tháng 2 ở bang Texas.

Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước triển khai thêm 6 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí đang hoạt động lên 417, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 6 lên 324, số giàn khoan khí và dự phòng giữ ở 92 và 1.

OPEC và đồng minh, tức OPEC+, dự kiến họp ngày 1/4 để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng hay không.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần

Ngày 30/3 - Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.

Ngày 31/3 - EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.

Ngày 1/4 - OPEC+ họp chính sách sản lượng trong tháng 5.

Ngày 2/4 - Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 26/3 tăng nhưng có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 6,6 USD lên 1.733,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,4% lên 1.732,3 USD/ounce.

Thị trường vàng đang giằng co với hai triển vọng. Tâm lý ưa thích tài sản rủi ro trong ngắn hạn – dựa trên kỳ vọng phục hồi kinh tế và tiến triển trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 – và quan điểm tránh tài sản rủi ro trong dài hạn vì bất ổn và chính sách từ Fed.

“Tôi không bất ngờ khi vàng chưa quay lại xu hướng tăng. USD tiếp tục giữ giá, ít nhất trong một thời gian nữa bởi châu Âu đang phong tỏa nhiều khu vực vì Covid-19. Các quỹ khả năng cao chuyển hướng sang thị trường Mỹ”, theo giám đốc chiến lược toàn cầu Bart Melek của TD Securities.

Melek dự báo giá vàng chạm 1.900 USD/ounce vào cuối năm.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục