Theo đó, điểm đầu của dự án trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án do UBND tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, với chiều dài 66km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).
Giai đoạn đầu, đường rộng 17m với 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng, dự kiến khai thác năm 2026. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 18.120 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng hơn 2.820 tỷ; xây dựng, thiết bị gần 11.000 tỷ, chi phí dự phòng 2.450 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.010 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh nền đường rộng 22m, 4 làn ôtô và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Trên tuyến còn xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.
Theo Quyết định này, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng; và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động).
Sang giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.