Ngày pháp luật

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 16): bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, cơm dừa và rượu dừa Bến Tre

Thành Trung

Bến Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp quyến rũ. Không chỉ vậy, sản vật phong phú nơi đây cũng đã góp phần đưa tên tuổi Bến Tre vươn xa hơn mong đợi, khiến ai chỉ cần nhìn thấy nó là nghĩ ngay đến Bến Tre.

SẢN VẬT BẾN TRE (Phần cuối)

Cơm dừa Bến Tre

Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa và đặc biệt với quả dừa xiêm, người Bến Tre chế bến thành nhiều món đặc sản trong đó có món cơm dừa được du khách gần xa nức nở khen ngon.

Cơm dừa Bến Tre tuy mang nét dân dã, bình dị, đậm chất thôn quê nhưng để có được món cơm dừa ngon thì các công đoạn từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến đòi hỏi một sự tỉ mỉ, cầu kỳ nhất định.

Cơm dừa Bến Tre.
Cơm dừa Bến Tre.

Nguyên liệu chính của món cơm dừa chính là dừa và gạo. Quả dừa để nấu cơm dừa phải dùng loại dừa xiêm thì cơm ra mới có vị ngọt thanh. Còn gạo, người ta thường dùng gạo trắng Hậu Giang, hạt to tròn, trắng, mọng.

Để nấu cơm dừa, đầu tiên người nấu sẽ cắt phần đầu của quả dừa, lấy hết nước ra ngoài. quả dừa lúc này sẽ đóng vai trò như một chiếc nồi để nấu cơm, phần cắt trên đầu chính là nắp nồi. Gạo trắng sau khi vo sạch sẽ được cho vào quả dừa. Nước nấu cơm thay vì dùng nước lọc bình thường thì sẽ được thay bằng nước dừa vừa mới lấy ra từ quả dừa xiêm trước đó. Người nấu sẽ không để trực tiếp quả dừa trên lửa mà cho vào một nồi to, đem chưng cách thủy. Một số nơi thường cho thêm cà rốt, khoai tây, nấm thái hạt lựa, đậu cove, hạt sen... vào để tăng thêm hương vị cho cơm.

Cơm dừa đem chưng cách thuỷ.
Cơm dừa đem chưng cách thuỷ.

Nấu cơm dừa cái khó nhất là phải canh nước dừa và gạo phải đều nhau, nếu nhiều nước ít gạo và ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão hoặc cứng, mất mùi vị. Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng ngần sẽ bị thấm thêm hơi dầu từ dừa sẽ ngả sang màu vàng nhạt.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 16): bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, cơm dừa và rượu dừa Bến Tre - Ảnh 1

Cơm dừa phải ăn cùng tôm rang dừa mới chuẩn vị. Tôm đất, tôm bầu, tôm càng xanh rửa sạch và ướp gia vị từ đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm. Sau đó, khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là coi như đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn.

Rượu dừa Bến Tre

Không cay nồng như rượu bàu đá, phiêu lưu như rượu cần, rượu dừa Bến Tre mang trong mình vị cay của rượu Phú Lễ, hòa quyện vị ngọt của cơm dừa. 

Rượu dừa có màu trắng ngà, vị mát với hương thơm đặc trưng, vừa nồng nàn vừa thanh tao, dịu nhẹ. Nếu thực khách nào đã một lần nếm thử loại rượu này thì sẽ khó mà quên được hương thơm vị cay nồng cùng với mùi thơm của dừa. Vị ngọt thanh của rượu làm tê ấm đầu lưỡi cùng mùi thơm nức của dừa tựa như những “ly cocktail” của riêng miền Tây sông nước.

Rượu dừa Bến Tre
Rượu dừa Bến Tre

Quy trình làm rượu dừa cũng rất công phu, quả dừa được chọn phải là dừa già, có lớp cơm dày. Chỉ những quả to tròn trọng lượng từ 1,2 - 1.4 kg mới được chọn. Lớp vỏ sần sùi bên ngoài được mài nhẵn cho trơn láng để tạo độ bóng đẹp, sau đó quả dừa được phủ một lớp sơn để tránh ẩm mốc và bảo quản rượu khỏi sự bay hơi.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 16): bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, cơm dừa và rượu dừa Bến Tre - Ảnh 2

Rượu được chọn là rượu Phú Lễ, một trong "tứ đại danh tửu" của miền Tây, là loại rượu dùng để tiến lên vua chúa ngày xưa. Tiếp đến, người ta khoét một lỗ nhỏ trên đầu quả dừa, tiêm hỗn hợp rượu đã ủ theo một tỉ lệ nhất định, hàn kín và ủ từ 10 -15 ngày là có thể dùng được. Rượu dừa ngon phải có màu trắng ngà, vừa uống vào thấy cay, nhưng sau ngọt và thơm như vừa uống nước dừa.

Đây là sản phẩm lên men 100% tự nhiên, thành phần cơm dừa đã hòa tan vào rượu, hút hết độc tố của rượu nên khi uống vào sẽ có lợi cho sức khỏe. 

Bánh tráng Mỹ Lồng

Chỉ cách thị xã Bến Tre khoảng 10 km, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng nằm khiêm tốn trong một làng nhỏ thuộc huyện Giồng Trôm. Làng nghề Mỹ Lồng có lịch sử hơn 100 năm tuổi trước đây được gọi là Mỹ Lung. Ban đầu chỉ có một vài người làm nhưng tiếng lành đồn xa bánh tráng Mỹ Lồng thơm ngon hơn hẳn những nơi khác nên nhiều khách buôn đến hỏi mua, rồi cả làng Mỹ Lồng làm bánh tạo nên thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng nổi danh từ đó.

Làng nghề Mỹ Lồng có lịch sử hơn 100 năm tuổi.
Làng nghề Mỹ Lồng có lịch sử hơn 100 năm tuổi.

Bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ bột gạo, trộn cùng nước cốt dừa, vừng trắng, đường và một số nguyên liệu khác. Gạo để tráng bánh phải là loại gạo ngon, thơm vừa, không quá khô, được vo kỹ và xay nhuyễn thành bột nước. Dừa chọn những trái già, cùi dày, nạo lấy nước cốt đặc và sánh.

Nước cốt dừa sau khi ép, phải cho vào nồi đun sôi, để lửa liu riu cho thật sệt, sau đó trộn cùng gạo rồi cho vào máy xay bột. Pha bột tráng bánh thường phải để cho những người có kinh nghiệm làm. Bột pha đúng đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô.

Quá trình làm bánh tráng Mỹ Lồng.
Quá trình làm bánh tráng Mỹ Lồng.

Công đoạn tráng bánh là công đoạn khó nhất, bột nước sẽ được múc từng vá và đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước để bánh chín bằng hơi. Người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau.

Bánh tráng xứ Mỹ Lồng đầm đà hương vị dừa.
Bánh tráng xứ Mỹ Lồng đầm đà hương vị dừa.

Tiếp đến, công đoạn phơi nắng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không phải loại nắng nào cũng phơi, nếu nắng nhỏ thì bánh không khô, nắng gắt quá thì bánh sẽ bị vỡ. Chiếc bánh đạt tiêu chuẩn sau phơi khi cầm trên tay phải mịn, không có lỗ khí lồi lõm, sau đó bánh được đóng gói cẩn thận, bảo quản nơi khô, thoáng.

Bánh phồng Sơn Đốc

Cùng với làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (thuộc ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cũng đã tồn tại hơn 100 năm qua. Bánh phồng Sơn Đốc đặc trưng bởi hương vị của nước cốt dừa đậm đặc hòa quyện với nước, hương vị thơm ngon ấy trọn vẹn trên một chiếc bánh.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã tồn tại từ hàng trăm năm nay.
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã tồn tại từ hàng trăm năm nay.

Để có chiếc bánh phồng chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh ngon phải là loại nếp đặc trưng của Bến Tre - gạo nếp sáp (gạo có hương vị tự nhiên, thơm nhiều, dẻo dính) và dừa dùng để lấy nước cốt làm bánh chỉ chọn loại dừa mới khô.

Gạo nếp đem ngâm mềm, sau đó vo sạch mang hấp cách thủy. Nếp vừa chín tới cho vào cối giã nhuyễn cùng nước cốt dừa, đường, nêm nếm sao cho đủ vị. Bánh phồng ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nở và xốp. 

Người dân làng nghề truyền thống Sơn Đốc đang cán bánh phồng.
Người dân làng nghề truyền thống Sơn Đốc đang cán bánh phồng.

Khi cán bánh phải thật khéo léo để bánh tròn đều và mỏng. Bánh cán xong sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Phơi bánh phồng cũng là một sự kỳ công và tỉ mỉ, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô.

Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3 - 4 lần so với hình dáng ban đầu. Để bánh ngon, xốp, giòn thì nên nướng trên bếp than hồng đỏ rực. Những túi bánh phồng sau khi đã thành phẩm không chỉ được tiêu thụ khắp nơi trong cả nước mà còn được đóng bao xuất khẩu sang tận châu Âu, châu Mỹ…