SẢN VẬT BẾN TRE (Phần 1)
Dừa Bến Tre
Bến Tre là xứ sở của dừa với gần 40.000 ha trồng dừa. Đây cũng là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dừa đồng hành với người Bến Tre không chỉ trong chiến đấu mà còn góp phần đắc lực trong việc xây dựng lại quê hương. Nhiều vùng ở Bến Tre, người dân chủ yếu sống vào nhờ cây dừa. Dừa Bến Tre có nhiều loại như: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp,...
Dừa xiêm xanh là giống cây trồng nhiều tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Nước dừa uống có độ ngọt thanh, không chua nên thường được gọi là “dừa xiêm đường”. Còn dừa xiêm thường, buồng lúc trổ có màu xanh đọt chuối non, khoảng từ 20 quả trở xuống/buồng.
Những năm qua, sản phẩm từ cây dừa như kẹo dừa, dừa nạo sấy khô, thảm sơ dừa, giỏ xách đan bằng cọng lá dừa,... không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn trở thành những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Bến Tre.
Sầu riêng Cái Mơn
"Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày"
Hai câu ca dao trên nói lên nét độc đáo của sản vật vùng miền làm nên thương hiệu nổi tiếng một thời. Tuy có nhiều sản phẩm dần mai một do không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhưng cũng có những sản phẩm ngày càng phát huy và nâng tầm thương hiệu như sầu riêng Cái Mơn, quýt hồng Lai Vung, bưởi năm roi Phú Hữu, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim...
Nhắc đến sầu riêng người ta thường nghĩ ngay đến hình dạng và mùi thơm rất đặc trưng của nó. Sầu riêng được mệnh danh là "vua" của các loại quả, là thứ quả nhiệt đới rất giàu dinh dưỡng và được nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, nói đến chất lượng thì không đâu bằng sầu riêng Cái Mơn - Chợ Lách. Dù cây giống đều được sản xuất từ vùng đất Cái Mơn và được đem đi trồng ở khắp mọi nơi, chính đây là nét đặc trưng làm nên thương hiệu nổi tiếng “Sầu riêng Cái Mơn”.
Sầu riêng chỉ chừng dưới 3kg/quả nhưng bù lại vỏ cực mỏng, có khoảng 4-5 ngăn, khi chín tự tách ra từng mảng rất dễ lấy. Cơm sầu riêng Cái Mơn màu trắng ngà hoặc màu mỡ gà bao bọc quanh hạt. Cơm càng dày càng ngọt, càng béo, càng ngậy và thơm. Chất béo của cơm sầu riêng gợi cho người ăn cảm giác như cái béo của bơ hay sữa.
Tuy nhiên, cái thơm của sầu riêng cũng có người thích, người không. Có người nghe đến sầu riêng mà đã phát thèm, cũng nhiều người còn không chịu nổi cái mùi phát ra quá nặng và khó ngửi phải đau đầu, bịt mũi tránh xa.
Sầu riêng Cái Mơn còn được yêu thích sử dụng làm nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn khác nhau vô cùng hấp dẫn như: bánh crepe sầu riêng, kem sầu riêng, chè xôi sầu riêng,...
Bưởi da xanh
Bưởi da xanh là sản vật của xứ dừa Bến Tre, trồng nhiều ở xã Mỹ Thanh An (thị xã Bến Tre), xã Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày). Bưởi da xanh ra quả quanh năm. Quả có trọng lượng khoảng 1,5kg/quả, dạng hình quả cầu.
Về chất lượng, bưởi này có đặc điểm khác với hai giống bưởi Năm Roi và bưởi Tân Triều là khi chín da vẫn xanh, tép bưởi có màu hồng đỏ, dễ bóc, ráo nước, không có hạt, vị ngọt thanh.
Không chỉ dùng để ăn tươi, ép nước, bưởi da xanh còn được các nhà hàng thường dùng làm gỏi. Đầu tiên tách tơi múi bưởi từng phần bằng ngón tay út, cá sặc rằn nướng xé nhỏ bỏ xương. Cho bưởi vào đĩa trộn với một muỗng nước mắm ngon, tiếp tục cho cá sặc xé trộn vào và cho rau sống thái nhỏ lên mặt. Ngoài ra, có thể thay bằng thịt heo ba rọi luộc chín thái nhỏ dài trộn với bưởi đã trộn qua nước mắm, sau đó trải đều đậu phộng rang tán nhỏ lên trên. Vậy là hoàn thành món gỏi da xanh khai vị khoái khẩu.
Giá trị của quả bưởi da xanh nằm ở chỗ nó không chỉ là món ăn ngon và bổ dưỡng, mà còn có thể được xem là bài thuốc phòng và trị bệnh do thành phần dinh dưỡng có chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất vi lượng và đa lượng, kể cả một số hoạt chất đặc biệt giúp phòng ngừa bệnh (như bệnh phổi, tim, gan,…) rất hiệu quả.
Biết được giá trị dinh dưỡng và phòng trị bệnh của bười da xanh nên người Bến Tre dùng quả bưởi da xanh hầu như không bỏ thứ gì, từ phần ruột cho đến phần vỏ đều có thể ăn tươi (múi bưởi) hoặc chế biến (vỏ bưởi).
Vú sữa bơ hồng Ba Long
Tại các kỳ hội chợ nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện giống vú sữa bơ hồng Ba Long quả lớn, thơm ngon, ngọt, vỏ mỏng và màu sắc đẹp được đông đảo bà con quan tâm.
Người phát hiện và bảo tồn giống vú sữa này là ông Nguyễn Thanh Nhã (Ba Long) ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Cách đây hơn 20 năm, khi thăm bà con, thấy cây vú sữa mọc hoang có màu vỏ hồng đẹp, khi chín ăn rất ngọt, mỏng vỏ, ông quyết định nhân giống bằng cách chiết nhánh về trồng.
Cây vú sữa bơ hồng lớn nhanh, chỉ sau 2 năm đã cho quả. Quả vú sữa có dạng tròn, to, khi chín có màu ửng hồng chuyển tím đẹp mắt, thơm mùi bơ, ngọt lịm, trọng lượng quả đạt trung bình 270 - 350g/quả, nếu chăm sóc tốt cây cho quả nặng 450 - 600g/quả.
Kết quả phân tích mẫu quả vú sữa bơ hồng tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) thuộc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho thấy: quả dạng hình tròn, không thuôn dài như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang). Đặc biệt quả vú sữa bơ hồng Ba Long có độ ngọt trung bình đạt 17,78%, cao hơn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (15,2%).