Ngày pháp luật

Khải Hoàn Môn của Pháp lộng lẫy trong “chiếc áo” vải nhựa 25.000 m2

Thành Trung

Công trình Khải Hoàn Môn nổi tiếng của Paris được xây dựng dưới triều đại của Nopoleon đã bị che phủ hoàn toàn bởi những mảnh vải polupropulene tái chế màu xanh bạc. Đây chính là dự án "Khoác áo nghệ thuật cho Khải Hoàn Môn” của Pháp để tưởng nhớ nghệ sĩ quá cố Christo Vladimirov Javacheff và vợ là Jeanne Claude.

60 năm cho một ước mơ

Cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff và vợ là những nghệ sĩ đã sáng tạo ra nghệ thuật độc đáo, bằng cách dùng vải bọc các công trình nổi tiếng. Một số tác phẩm tiêu biểu của họ bao gồm “The Pont Neuf Wrapped” vào năm 1985 và “Wrapped Reichstag” ở Berlin.

Hai vợ chồng cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (Ảnh: CNN)
Hai vợ chồng cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (Ảnh: CNN)

Trước Khải Hoàn Môn, cặp đôi nghệ sĩ này đã từng sử dụng vải để biến đổi thế giới tự nhiên như tẩm vải màu cam rộng 18.600m2 treo giữa 2 sườn núi ở Colorado, hay bao bọc hòn đảo gần Miami trong vải màu hồng. Vào năm 1960, Christo Vladimirov Javacheff và vợ thuê một căn hộ gần Khải Hoàn Môn và ngay lúc đó họ đã nảy ra ý tưởng bọc vải để bảo vệ công trình kiến trúc này.

Tuy nhiên, khi giấc mơ đó vẫn chưa thể thực hiện thì bà Jeanne Claude (vợ ông Christo Vladimirov) đã qua đời cách đây hơn 10 năm. Đáng buồn, trước khi tác phẩm nghệ thuật này được triển khai và hoàn thành thì Christo Vladimirov Javacheff cũng đã qua đời vào tháng 5 năm ngoái.

Bản thiết kế dự án “Khoác áo cho Khải Hoàn Môn” của cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (Ảnh: CNN)
Bản thiết kế dự án “Khoác áo cho Khải Hoàn Môn” của cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (Ảnh: CNN)

Hiện dự án bọc vải Khải Hoàn Môn do cháu trai của ông Christo - anh Vladimir Yavatchev thực hiện với sự hợp tác của bảo tàng Pompidou và quan chức nước Pháp. Yavatchev cho biết dự án này mất đến gần 12 tuần, họ phải làm việc gần 24 giờ mỗi ngày, và cho rằng quá trình này khó khăn hơn những gì mọi người nghĩ đến. “Trong suy nghĩ của nhiều người, công việc của chúng tôi đơn giản chỉ là đến Khải Hoàn Môn, ném vải lên và dùng dây thừng cột lại, thế là xong. Tuy nhiên sự thật không phải vậy.”

Trên thực tế, thời gian để có thể bọc vải các công trình có thể mất đến hàng thập kỷ, lâu nhất vẫn là khâu giấy phép, pháp lý, cùng với đó là các kiểm tra tác động đến môi trường. và Jeanne Claude trong quá khứ đã phải từ bỏ một số dự án vì không thể Christo Vladimirov Javacheff xin được giấy phép.

Việc “khoác áo” cho Khải Hoàn Môn phải mất 16 ngày với 23.000m2 vải tái chế (Ảnh: CNN)
Việc “khoác áo” cho Khải Hoàn Môn phải mất 16 ngày với 23.000m2 vải tái chế (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, Christo Vladimirov Javacheff luôn theo đuổi dự án bọc vải Khải Hoàn Môn, ngay cả trước khi qua đời, ông cũng đã tâm sự với báo chí rằng “không thể tin được” dự án này sẽ được chấp thuận. “Tôi là một nghệ sĩ phi lý trí, không có trách nhiệm và là một người tự do. Không ai cần các dự án của tôi, thế giới có thể tiếp tục vận hành mà không cần các dự án này. Nhưng tôi cần, và bạn bè của tôi chỉ đơn thuần muốn giúp đỡ tôi.”

Được biết, dự án đã hoàn thành vào 18/9 vừa qua và sẽ được giữ hiện trạng này trong vòng 16 ngày trước khi trở lại hình dạng vốn có. Tổng cộng, dự án đã tiêu tốn khoảng 16,5 triệu USD, 23.000 m2 vải tái chế polypropylene màu xanh bạc, 3.000m dây thừng đỏ. “Khoác áo cho Khải Hoàn Môn” sẽ là dự án cuối cùng trên danh nghĩa của Christo Vladimirov Javacheff.

Vẻ đẹp lộng lẫy của Khải Hoàn Môn ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Reuters)
Vẻ đẹp lộng lẫy của Khải Hoàn Môn ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Reuters)

Còn người dân Pháp thì thực sự cảm thấy ấn tượng và thích thú khi nhìn chiếc cổng vòm chiến thắng cổ xưa trở nên mới lạ, lộng lẫy và hiện đại trong chiếc áo choàng ánh kim xanh. Chỉ trong hai ngày 18 và 19/9, hàng nghìn người đã đổ xô đến nơi này để được chiêm ngưỡng Di sản thế giới trong “Chiếc áo nghệ thuật”.

“Chứng nhân” lịch sử của nước Pháp

Vào năm 1806, Hoàng đế Napoléon I đã cho xây dựng Khải Hoàn Môn (tiếng Pháp gọi là L’arc de triomphe de l’Etoile) để tôn vinh quân đội, kỷ niệm chiến thắng lẫy lừng của các đạo quân Pháp. Việc xây dựng Khải Hoàn Môn đã bị ngưng lại khi Hoàng Đế Napoléon I không còn cai trị nước Pháp vào năm 1814 rồi sau đó được hoàn thành vào năm 1836 dưới triều đại của Vua Louis Philippe.

Khải Hoàn Môn có vị trí đắc địa, là điểm giao của 12 đại lộ và ba quận. Chính ở đại lộ Champs Elysees, vào giữa tháng 5 và đầu tháng 1, bạn sẽ được chứng kiến cảnh mặt trời lặn ngang qua Khải Hoàn Môn.

Khải Hoàn Môn - Biểu tượng của thành phố Paris
Khải Hoàn Môn - Biểu tượng của thành phố Paris

Khải Hoàn Môn được thiết kế bởi kiến trúc sư Jean - Francois Chalgrin (1739 - 1811). Công trình mang kiến trúc mái vòm và được xây hoàn toàn bằng đá trắng, cao 49.5m, rộng 45m và sâu 22m. Công trình có kích thước mặt đứng hình vuông, các mặt được trang trí bằng tấm phù điêu và 558 bức tượng các nhân vật nổi tiếng trong nhiều thời kỳ của nước Pháp.

Bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất là: “Xuất quân 1792” và “Khải hoàn 1810” phía Champs - Elysées, “Kháng chiến 1814” và “Hòa bình 1815” phía Grande-Armée.

Mặt phía trong bốn chân của Khải Hoàn Môn được trang trí bằng các bức phù điêu miêu tả những trận đánh nổi tiếng. 6 bức phù điêu, 4 phía trên các tượng đài và 2 ở các cạnh bên mô tả những giai đoạn, sự kiện của cách mạng Pháp và đế chế.

Ngoài ra bề mặt Khải Hoàn Môn còn có các phù điêu nhỏ khác. Mặt phía trong bốn chân của Khải Hoàn Môn được trang trí bởi các bức phù điêu miêu tả những trận đánh nổi tiếng thời Cách mạng và Đế chế. Bên dưới khắc tên tuổi các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử đó.

Ngôi mộ vô danh dưới Khải Hoàn Môn
Ngôi mộ vô danh dưới Khải Hoàn Môn

Bên dưới vòm cung là phần mộ chiến sĩ vô danh của hai cuộc Thế chiến (từ năm 1920). Từ chân của Khải Hoàn Môn, du khách có thể dùng thang máy hoặc bước lên 284 bậc lên tầng cao nhất, nơi này có phòng triển lãm các hình ảnh và họa đồ xây dựng Khải Hoàn Môn qua các thời đại.

Cũng tại đài quan sát trên tầng cao này, du khách nhìn thấy các cảnh trí tuyệt đẹp của đại lộ Elysées, viện bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, giáo đường Sacré Coeur và khu vực mới La Défense. Để tới chân công trình, lối đi Passage du Souvenir (lối đi Kỷ Niệm) được xây dựng ngầm dưới quảng trường.Từ ý nghĩa để tưởng nhớ, ngợi ca những chiến công oai hùng của quân đội Pháp, Khải Hoàn Môn đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước.

Khải Hoàn Môn trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước Pháp
Khải Hoàn Môn trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước Pháp

Khải Hoàn Môn từng được dùng làm địa điểm cho các lễ quốc tang. Lễ quốc tang lớn nhất là của Đại văn hào Victor Hugo (năm 1885). Linh cữu của ông được đặt dưới vòm cung để toàn dân Paris tỏ lòng tôn kính.

Nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô, Khải Hoàn Môn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, nghi thức, lễ quốc tang. Hàng năm, vào ngày Quốc khánh Pháp, diễn ra lễ Diễu binh qua đây trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Pháp. Các hoạt động văn hóa, thể thao như lễ hội, chào năm mới, giải xe đạp Tour de France cũng thường diễn ra quanh Khải Hoàn Môn.

Nơi đây cũng là biểu tượng có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa, Khải Hoàn Môn đứng thứ 10 trong các công trình thu hút nhất của Paris. Sẽ thật là thiếu sót nếu đến Paris mà bạn không ghé thăm nơi đây.