Ngày pháp luật

3 địa điểm vừa xuất hiện trong danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa, cần được bảo vệ khẩn cấp

Thành Trung

Trong cùng một năm, cảnh quan khu mỏ Rosia Montana (Rumani) vừa trở thành địa danh mới nhất được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, vừa trở thành địa danh cần được bảo vệ khẩn cấp trước những tác động của thiên nhiên và con người. Trước đó, tính từ năm 2014 cũng đã có 2 địa điểm khác rơi vào tình trạng tương tự.

Danh sách Di sản Thế giới được công bố lần đầu tiên vào năm 1978. Đến nay, UNESCO đã công nhận 1.154 di sản tại 167 quốc gia. Để được ghi tên vào danh sách này, các địa danh phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về văn hoá hoặc thiên nhiên theo Công ước Di sản Thế giới đã được Ủy ban về Di sản Thế giới của UNESCO duyệt.

Năm 2021, có 55 địa điểm di sản đang bị đe dọa. Hầu hết các di sản này nằm tại các nước đang phát triển ở châu Á và Châu Phi. Những nơi này có nguy cơ bị phá hủy hoặc hủy hoại nghiêm trọng bởi chiến tranh, thiên tai, biến đổi khí hậu, du lịch... 

Cảnh quan khu mỏ Rosia Montana - Rumani

Di tích lịch sử Rosia Montana, một khu vực khai thác vàng ở Romania có từ thời Đế chế La Mã, đã được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào ngày 27/7/2021.

Tuy nhiên, cũng trong năm nay nó đã được UNESCO thêm vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa do “Nhiều mối đe dọa từ các kế hoạch tiếp tục mở lại việc khai thác tại đây sẽ làm hỏng một phần chính cảnh quan đã được UNESCO ghi nhận”.

Nằm tại thị trấn Rosia Montana trong dãy núi Apuseni ở phía tây Romania, Rosia Montana có khu phức hợp khai thác vàng La Mã dưới lòng đất với quy mô lớn và đa dạng nhất về mặt kỹ thuật được biết đến vào thời kỳ hoàng đế Traianus. Trong hơn 166 năm, người La Mã đã khai thác khoảng 500 tấn vàng từ đây.

Một phần cảnh quan khu mỏ Rosia Montana (Ảnh: Profimedia Images)
Một phần cảnh quan khu mỏ Rosia Montana (Ảnh: Profimedia Images)

Tài liệu lịch sử sớm nhất về thị trấn này được ghi trên một tấm bia sáp ngày 6/2/131. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra trong đó những ngôi nhà cổ, nghĩa địa, phòng trưng bày mỏ, công cụ khai thác và 25 bảng viết bằng gỗ phủ sáp cùng nhiều chữ khắc bằng tiếng Hy Lạp và Latinh, tập trung xung quanh đồi Carpeni.

Các bảng viết bằng gỗ phủ sáp đã cung cấp thông tin chi tiết về pháp lý, kinh tế xã hội, nhân khẩu học và thông tin về các hoạt động khai thác của người La Mã, không chỉ ở Alburnus Maior mà còn trên toàn tỉnh Dacian rộng lớn hơn.

Quần thể khu mỏ được bao quanh bởi thị trấn Rosia Montana, có cấu trúc nghệ thuật mang dấu ấn giữa thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 20. Thị trấn này được hình thành cùng với quá trình khai thác mỏ tại Rosia Montana.

Việc khai thác vàng tại đây tiếp tục được thực hiện giữa thời Trung cổ và thời hiện đại. Tuy nhiên, khu mỏ này sau đó đã bị đóng cửa vào năm 2006, trước khi Rumani gia nhập Liên minh châu Âu.

Phế tích Nan Madol - Liên bang Micronesia

Phế tích thành phố Nan Madol, rộng 18km2, nằm ở biển Tây Thái Bình Dương, phía Đông bang Pohnpei, thuộc Liên bang Micronesia, được coi là di chỉ vô cùng độc đáo và bí ẩn. Phế tích này được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa vào năm 2016.

Thành phố đổ nát Nan Madol là một trong những bí ẩn về khảo cổ học lớn nhất hiện nay, đôi khi nó được gọi là “Atlantis” hay “Kỳ quan thứ tám của thế giới”. Thành phố này rộng 18km2, với gần 100 hòn đảo nhân tạo và các tòa nhà khổng lồ. Các công trình tại đây được xây dựng bằng những phiến đá bazan nặng tới 50 tấn. Rất nhiều nhà khoa học đã xem xét những khối đá lớn này nhưng không thấy bất kỳ dấu vết tác động của máy móc.

Nhiều nhà khoa học đã làm thí nghiệm vận chuyển đá bằng bè, nhưng bè gỗ không chịu nổi trọng tải của những hòn đá khổng lồ này. Người ta tin rằng, chỉ có những người khổng lồ như trong thần thoại Hy Lạp mới làm được điều đó.

Tàn tích của thành phố Nan Madol trên đảo Pohnpei, Micronesia. (Ảnh: Getty Images)
Tàn tích của thành phố Nan Madol trên đảo Pohnpei, Micronesia. (Ảnh: Getty Images)

Đặc biệt, toàn bộ Nan Madol còn được bao quanh bởi những bức tường khổng lồ, cao tới gần 8m, dày 5,18m. Theo tính toán của các nhà khoa học, người xưa đã phải dùng tới 25 triệu tấn đá, gồm những khối đá khổng lồ, mài nhẵn, để dựng nên chúng.

Những bước tường đá khổng lồ này không chỉ là tường thành vững chắc, chống lại các cuộc xâm lăng, mà nó còn có tác dụng chặn thủy triều và chắn những đợt sóng biển hung dữ. Cách để xây dựng lên những bức tường này đối với các nhà khoa học vẫn là một dấu hỏi lớn.

Hiện thành phố đổ nát này vẫn còn khá nguyên vẹn những tòa nhà lớn, là nơi lưu giữ xác của các vị vua thuộc triều đại Saudeleur.

Ruộng bậc thang Battir - Palestine

Di sản Thế giới ruộng bậc thang Battir thuộc ngôi làng Battir, cách thành phố Jerusalem khoảng 7 km về phía Tây Nam, với khoảng 4.000 người sinh sống. Điều ấn tượng nhất khi đến thăm Battir là hệ thống thủy lợi 2.000 năm tuổi vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay.

Ngôi làng Battir được xây dựng trên một ngọn đồi với hệ thống ruộng bậc thang có từ thời cổ đại dành cho mục đích nông nghiệp. Các ruộng bậc thang này được hỗ trợ bởi một mạng lưới kênh tưới tiêu từ nguồn nước ngầm tại ngôi làng.

Quang cảnh ruộng bậc thang Battir 
Quang cảnh ruộng bậc thang Battir 

Suối La Mã là nơi cung cấp tất cả nước cho ngôi làng. Bồn tắm La Mã là bể chính nơi tập trung nước. Hàng ngày, tám thị tộc chính tại Battir vẫn thay phiên nhau tưới nước cho cây trồng của làng trên các thửa ruộng bậc thang.

Quần áo và đá được sử dụng để chặn các kênh thủy lợi theo một hướng, cho nước chảy vào ruộng của từng gia đình. Mỗi năm, một que đo cũ được đặt trong bể chứa để kiểm tra tổng lượng nước thu được trong mùa đông. Tổng lượng nước thu được sẽ chia đều theo diện tích đất cho từng gia đình tại Battir.

Với một hệ thống thủy lợi được tổ chức tốt như vậy, Battir được biết đến với nền nông nghiệp phong phú. Do đó, nơi đây nổi tiếng với những thửa ruộng trồng oliu và nho cho chất lượng hoàn hảo.

Trong một thời gian dài, nông nghiệp tại đây phát triển mạnh, cuộc sống của người dân cũng vì thế vô cùng sung túc. Cho đến nay, việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì tại các hệ thống ruộng này.

Hệ thống thủy lợi 2000 năm tuổi tại ngôi làng Battir
Hệ thống thủy lợi 2000 năm tuổi tại ngôi làng Battir

Tuy nhiên, Battir cũng là một trong những khu vực xảy ra xung đột trong thời gian dài, do đó Di sản văn hóa này nhiều lần bị đe dọa. Ruộng bậc thang và bản sắc lối sống làng quê tại Battir đứng trước nguy cơ bị phá hủy.

Bởi vậy, sau một thời gian dài đấu tranh, vào năm 2014, Ruộng bậc thang Battir đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới và Di sản bị đe dọa của UNESCO.