Ngày pháp luật

Làng dân gian Hahoe: Viện bảo tàng ngoài trời lớn nhất Hàn Quốc

Thành Trung

Làng Hahoe ngày nay là một điểm “hút” khách du lịch của thành phố Andong. Hàng năm, lượt du khách đến Hahoe luôn vượt 1 triệu người. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, làng dân gian Hahoe đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2010.

Làng dân gian Hahoe nằm ở thành phố Andong, tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc là quê hương và được hình thành bởi ba đại gia tộc Huh, Ahn và Ryu dưới triều đại Joseon (1392 - 1910). Hiện nay, Hahoe là một ngôi làng theo dòng tộc tiêu biểu nhất tại Hàn Quốc khi còn lưu giữ được nguyên vẹn những công trình kiến trúc dưới triều đại Joseon. Đây còn là nơi gìn giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc.

Ngôi làng của giới quý tộc Hàn Quốc 600 năm trước

Tên gọi Hahoe của làng bắt nguồn từ việc sông Nakdong chảy quanh ngôi làng theo hình chữ S, Ha có nghĩa là sông, Hoe mang nghĩa quay trở lại. Làng Hahoe là quê hương của gia tộc Ryu. Hiện nay, 85% trong số 126 hộ gia đình sống trong làng thuộc gia tộc này.

Quay ngược dòng thời gian cách đây hơn 600 năm, Hahoe được 3 dòng họ lớn là Huh, Ahn và Ryu xây dựng vào thế kỷ 15. Cuối thế kỷ 17, gia tộc Ryu cho mở rộng Hahoe và ngôi làng trở thành nơi sinh sống của riêng họ.

Phong cách kiến trúc Joseon đặc trưng của làng dân gian Hahoe.
Phong cách kiến trúc Joseon đặc trưng của làng dân gian Hahoe.

Làng Hahoe nổi tiếng với việc gìn giữ nguyên vẹn được phong cách kiến trúc Joseon đặc trưng trước những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa tại Hàn Quốc. Du khách có thể chiêm ngưỡng một số dinh thự truyền thống của quý tộc thời Joseon hay những mái nhà tranh đơn giản.

Một góc dinh thự của tầng lớp quý tộc.
Một góc dinh thự của tầng lớp quý tộc.

Nhà Chunghyodang (Trung hiếu đường) là một trong những nhà ở của chủ họ còn được lưu giữ tại Làng Hahoe. Đây là nơi ở của Ryu Seong-ryong (1542 - 1607), bút hiệu là Seoae, một chủ họ nổi danh nhất của dòng họ Ryu Pungsan.

Ông là một nho sĩ và là quan triều đình phục vụ ở chức vụ chủ chốt trong Yeonguijeong (Lãnh nghị chánh) vào triều Vua Seonjo (1552 - 1608). Sau khi ông qua đời, hậu duệ và các học trò của ông xây dựng Nhà Chunghyodang để tưởng nhớ quá trình học tập và đức hạnh của ông.

Ngoài ra, tại làng Hahoe còn có một ngôi nhà cổ - Yangjindang, thuộc quyền sở hữu của Seong Reong (1542 - 1607), người đứng đầu dòng họ Ryu. Cho đến nay hậu duệ của dòng tộc này vẫn sinh sống ở đây để gìn giữ những di sản văn hóa mà tổ tiên để lại. Du khách khi tới đây còn có thể tham quan một số các di tích khác như Ogyeonjeongsa, Jingbirok... Đây đều là những nơi ghi dấu ấn của dòng họ Ryu.

Ngôi nhà cổ Yangjindang của chủ họ Ryu Un-ryong.
Ngôi nhà cổ Yangjindang của chủ họ Ryu Un-ryong.

Tại đây, những ngôi nhà truyền thống hanok có nhiều kích thước khác nhau bởi chúng phụ thuộc vào sự giàu có và địa vị của chủ nhân. Lối kiến trúc đặc trung của các ngôi nhà hanok thường có không gian mở, được làm từ những vật liệu như gỗ, đất sét, đá, giấy... Đặc biệt, trong tất cả các ngôi nhà trong làng đều có hệ thống sưởi sàn nâng, được gọi là Ondol. Điều này đã tạo nên nét độc đáo cho ngôi làng Hahoe.

Theo quy định ở Hahoe, giới quý tộc sinh sống ở trung tâm của ngôi làng, những người ở tầng lớp thấp hơn sống bên ngoài, bao quanh ngôi làng. Hướng đặt nhà ở Hahoe cũng khác biệt, mọi người ở đây đều quay hướng cửa chính là hướng trung tâm, trong khi những nơi khác quay về phía Nam.

Ngôi nhà mái tranh đơn sơ.
Ngôi nhà mái tranh đơn sơ.

Các chuyên gia phong thủy nhận định, làng Hahoe được xây dựng ở một vị trí có phong thủy tốt. Khi làng nằm dọc theo đoạn uốn khúc của dòng sông Nakdong, được bao quanh bởi vánh đá và những nhọn núi. Làng Hahoe được tập trung năng lượng của đất trời nên có được sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giúp các gia tộc thịnh vượng và bình an. Người ta cho rằng dáng ngồi của ngôi làng giống như con thuyền đang tiến về phía trước. Nhiều người cũng nói rằng nó giống như một bông hoa sen. 

Làng Hahoe được xây dựng ở một vị trí có phong thủy tốt, giúp các gia tộc thịnh vượng và bình an
Làng Hahoe được xây dựng ở một vị trí có phong thủy tốt, giúp các gia tộc thịnh vượng và bình an

Có gì cuốn hút tại làng Hahoe?

Ủy ban Di sản thế giới đánh giá Hahoe là một trong hai ngôi làng cổ tiêu biểu cho văn hóa Hàn Quốc không chỉ bởi những đặc trưng kiến trúc nhà theo phong cách thời kỳ Joseon mà còn vì những phong tục đời sống truyền thống vẫn được in sâu trong tiềm thức người dân tại đây cho tới tận bây giờ.

Trong đó nổi bật là điệu múa mặt nạ Hahoe - tal bao đời nay vẫn được những người dân sống trong làng gìn giữ nguyên vẹn. Mặt nạ Hahoe - tal là một nét văn hoá đặc biệt chỉ có tại làng Hahoe. Mặt nạ của Hàn Quốc thường được làm bằng quả bầu hoặc giấy, và người ta đốt bỏ các mặt nạ này sau khi biểu diễn xong trò chơi mặt nạ. Nhưng mặt nạ Hahoe - tal được làm từ gỗ, cứng cáp và bảo quản được lâu. 

Quá trình làm ra mặt nạ Hahoe-tal từ gỗ cây tổng quán sùi.Người làng Hahoe tin rằng, những tượng gỗ tượng trưng cho các vị Thành hoàng làng sẽ luôn bảo vệ, chở che cho tất cả những sinh vật và người dân bên trong.
Quá trình làm ra mặt nạ Hahoe-tal từ gỗ cây tổng quán sùi.Người làng Hahoe tin rằng, những tượng gỗ tượng trưng cho các vị Thành hoàng làng sẽ luôn bảo vệ, chở che cho tất cả những sinh vật và người dân bên trong.

Bởi vậy, vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, nơi đây diễn ra lễ tế Dongje để cầu bình an cho ngôi làng. Vở kịch ngoài trời gọi là Hahoe byeolsingut talnori cũng sẽ được thể hiện trên sân khấu biểu diễn trong làng.

Trong vở kịch này, các loại mặt nạ Hahoe - tal sẽ được sử dụng để biểu diễn thể hiện các tuyến nhân vật như nhà sư, halmi (phụ nữ lớn tuổi), seonbi (học giả), yangban (quý tộc), gaksi (cô dâu) và baekjeong (đồ tể). Vở kịch có nội dung trào phúng, phê phán các tầng lớp cao cấp của thời Joseon như yangban (quý tộc), seonbi (học giả).

Vở kịch Hahoe byeolsingut talnori được biểu diễn nhằm làm vui các vị thần. 
Vở kịch Hahoe byeolsingut talnori được biểu diễn nhằm làm vui các vị thần. 

Bên cạnh đó, Nho giáo cũng là nét văn hóa được coi trọng nhất tại đây. Chính vì vậy, ngôi làng này là nơi đã gìn giữ các nét đẹp truyền thống xưa kia của người Hàn Quốc. Các phong tục tập quán như lưu giữ bài vị và vào những ngày đặc biệt như giỗ chạp, cả gia đình cùng nhau sum vầy để tỏ lòng thành kính, biết ơn vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ.

Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO đã nêu trong bản nghị quyết rằng, “Ngôi làng là không gian sinh hoạt - nơi lối sống truyền thống của người Hàn Quốc được lưu truyền trọn vẹn, là một di sản sống - nơi người dân làng nuôi dưỡng cuộc sống qua các thế hệ, hài hoà với tự nhiên, và cuộc sống của người Hàn Quốc có giá trị phổ quát nổi bật như một di sản văn hoá của nhân loại”.