Tháng trước, anh Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) liên hệ với nhân viên tín dụng của một ngân hàngđặt vấn đề muốn vay 300 triệu đồng theo hình thức thế chấp để có vốn kinh doanh.
Sau khi yêu cầu cung cấp giấy tờ cá nhân, thông tin liên quan đến thu nhập và tài sản, nhân viên ngân hàng thông báo, anh Nam sẽ phải bắt buộc mua một gói bảo hiểm giá trị thấp nhất là 10 triệu, nếu không mua sẽ không được giải ngân. Đây là hợp đồng bảo hiểm có thời hạn 1 năm và sau đó khách có quyết định ký tiếp hay không thì tuỳ.
Nhân viên ngân hàng cho biết, đối với các khoản vay thấp dạng tín chấp, khách hàng vẫn phải mua "bảo hiểm khoản vay" bằng 1,3% giá trị khoản vay. Số tiền này sẽ được trừ thẳng vào khoản vay gốc của khách hàng.
Khi bị hỏi về tính pháp lý của quy định trên, anh Nam cho biết nhân viên trên lý giải đây là điều được ghi rõ trong văn bản nội bộ ngân hàng, và khẳng định "chi nhánh nào cũng như vậy cả".
Anh Chính (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phản ánh về việc vay tiền và bị nhân viên tín dụng đưa vào thế "sự đã rồi" nhằm ép mua bảo hiểm có giá trị 10 triệu. Điều anh cảm thấy bức xúc nằm ở chỗ trong quá trình tư vấn vay vốn, nhân viên ngân hàng không đề cập tới vấn đề này.
"Đến khi chốt hợp đồng vay vốn họ mới thông báo về việc phải mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay", anh kể.
Một số khách còn phản ánh về việc nhà băng sẵn sàng cho khách hàng... vay thêm cả tiền mua bảo hiểm. Anh Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhu cầu vay vốn 400 triệu nhưng chưa có tài sản thế chấp. Nhân viên ngân hàng gợi ý anh có thể mua hợp đồng bảo hiểm giá trị 100 triệu đồng và coi đó như một tài sản đảm bảo. Số tiền này được trừ trực tiếp vào khoản vay, và anh được cầm về 300 triệu đồng.
Thậm chí, đã có những trường hợp khách hàng chỉ đơn giản có nhu cầu mở thẻ tín dụng, nhưng vẫn bị các nhân viên "gạ" mua bảo hiểm, gây ra nhiều phiền toái.
"Tôi chỉ mở một chiếc thẻ tín dụng thôi mà sau đó ngày nào cũng nhận được điện thoại tư vấn mời mua bảo hiểm của nhân viên ngân hàng", chị Ngọc (quận Thanh Xuân) cho biết.
Các hợp đồng bảo hiểm dạng này thường được ký thời hạn 1 năm. Thực tế, nhân viên tín dụng cũng chẳng quan tâm khách hàng có tiếp tục sử dụng bảo hiểm năm thứ 2, thứ 3 hay không, vì họ chỉ được trích hoa hồng ở hợp đồng năm đầu tiên.
Ở hầu hết các nhà băng, hiện doanh số bán bảo hiểm là một trong những chỉ tiêu kinh doanh quan trọng dùng để đánh giá năng lực nhân viên tín dụng. Thêm vào đó, nhân viên ngân hàng được mức hoa hồng khá cao đối với mỗi hợp đồng bảo hiểm ký kết thành công.
Anh Minh Vũ, nhân viên tín dụng ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, bản thân rất thích bán bảo hiểm bởi được trích hoa hồng tới 30% giá trị hợp đồng.
"Nếu ký được 30 triệu thì mình được hoa hồng 10 triệu, song phải để lại cho ngân hàng 40% và chỉ được nhận về khoảng 6 triệu đồng", anh Việt nói. So sánh với mức lương nhân viên tín dụng dao động khoảng từ 7 đến 11 triệu đồng/tháng, khoản kiếm thêm từ bảo hiểm có những tháng còn gấp vài lần lương.
Theo tìm hiểu, tại các ngân hàng, nhân viên tín dụng hoặc giao dịch được hưởng mức hoa hồng bán bảo hiểm dao động từ 2% đến 25%. Với các nhân viên có doanh số bán bảo hiểm tốt còn được ngân hàng và công ty bảo hiểm thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau như tiền, cho đi du lịch nước ngoài, tặng voucher mua sắm....
Anh Gia Bảo, chuyên viên tín dụng của một ngân hàng khác cho biết, để đẩy mạnh doanh số, nhân viên nhà băng thường gọi điện cho các khách hàng cũ để mời tham gia các chương trình kiểm tra sức khỏe, thử máu... Riêng với các khoản vay trên 1 tỷ thì giá trị bảo hiểm kèm thêm tối thiểu là 30 triệu đồng.
Anh Bảo cũng tiết lộ trong ngành, các nhân viên ngân hàng thường truyền cho nhau những "chiêu" để gián tiếp buộc khách hàng mua bảo hiểm. Phổ biến nhất là việc đưa ra mức lãi suất ưu đãi trong 1 năm đầu (thấp hơn lãi suất thường từ 2,8 đến 4%) và phí trả nợ trước hạn thấp. Ngoài ra, với các khách hàng có hồ sơ yếu, khó chứng minh thu nhập, nhân viên ngân hàng sẽ ngay lập tức gợi ý mua bảo hiểm như một khoản kèm thêm để được duyệt hồ sơ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tại nhà băng mà anh Bảo đang làm việc, trung bình bán được hợp đồng bảo hiểm 30 triệu sẽ được tính tương đương 117 điểm. Trong khi đó, kể cả giải ngân cho khách hàng được khoản vay lớn tới 2 tỷ cũng chỉ được tính tương đương 238 điểm. Mỗi tháng, các nhân viên phải đạt tối thiểu 504 điểm. Tổng kết cuối tháng, thu nhập của nhân viên được nhân theo công thức 15.000 đồng/điểm.
Tuy nhiên, có một số nhân viên ngân hàng, áp lực chỉ tiêu bảo hiểm trở thành gánh nặng. Anh Phú Quý, nhân viên tín dụng của một ngân hàng tại TP HCM, cho biết đã bị hạ lương, chỉ được nhận lương tối thiểu theo chức danh vì không phát sinh hợp đồng bảo hiểm trong 2 tháng nay.
"Trong hai tháng liên tiếp mà không phát sinh ra hợp đồng bảo hiểm thì nhân viên buộc phải cam kết doanh số trong tháng thứ 3. Nếu tháng thứ 3 không hoàn thành thì hoàn toàn có nguy cơ lọt vào danh sách bị cho thôi việc", anh Quý chia sẻ.
Trong khi đó, ở một nhà băng khác, nơi chị Vân Anh (Long Biên) làm giám đốc chi nhánh, chỉ tiêu bảo hiểm cũng rất cao. Chị cho biết đang có dự định chuyển việc vì 2 tháng nay không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh bảo hiểm.