Những kết quả đáng khích lệ
Các Sở Tư pháp trong khu vực đã bám sát vào Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2022, các kế hoạch chỉ đạo của cấp ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là nội dung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 và kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long, thực hiện tốt công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, thích ứng, hiệu quả trong bối cảnh chung của khu vực và cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã thẩm định 1.245 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các dự thảo đều được Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo.
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng được chú trọng, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn của từng địa phương; thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, điều tra, khảo sát và phối hợp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật với 59.049 cuộc cho 1,2 triệu lượt người, phát hành trên 800.000 tài liệu, 78.000 tin bài, phóng sự; thực hiện 678.894 trường hợp đăng ký khai sinh, 226.842 trường hợp đăng ký kết hôn, 223.049 trường hợp đăng ký khai tử, 497 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, 54 trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài và 3.082.000 các việc hộ tịch khác (xác nhận tình trạng hôn nhân, thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung hộ tịch, ghi vào sổ những việc hộ tịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài...); tích cực triển khai Đề án 06 với nhiều công việc cụ thể, tái cấu trúc quy trình thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến, số hóa sổ bộ hộ tịch đảm bảo tiến độ; tiếp nhận 247.255 yêu cầu cấp phiếu LLTP, thực hiện cấp 240.051 phiếu LLTP (bao gồm cả phiếu số 1 và phiếu số 2); trợ giúp pháp lý cho 10.549 vụ việc. Với 645 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó Phòng công chứng 39, Văn phòng công chứng 606), 1.584 công chứng viên đã cố gắng thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch cơ bản đúng quy định của pháp luật, Hội Công chứng viên đã thực hiện xong việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2021-2024)…
Trong thời gian qua, với tinh thần năng động, sáng tạo, nhiều cơ quan tư pháp trong khu vực đã có nhiều giải pháp, sáng kiến, cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong ngành Tư pháp địa phương, nỗi bật như: công tác thẩm định văn bản được thực hiện theo đúng quy định về trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật và rút ngắn hơn so với thời gian quy định (từ 15 ngày xuống còn 03 - 05 ngày); biên soạn các infographic, video tuyên truyền pháp luật để tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội; biên soạn cẩm nang hôn nhân gia đình để tặng cho các cặp vợ chồng khi thực hiện đăng ký kết hôn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các chương trình người dân với pháp luật phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường thị trấn và chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng truyền thanh; tham mưu triển khai thí điểm liên thông thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp – cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án trong thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng; xây dựng và triển khai phần mềm quản lý vi bằng đến các tổ chức thừa phát lại (tiết kiệm 50% thời gian thực hiện công tác đăng ký vi bằng)...
Hội nghị giao ban cũng lắng nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Sở Tư pháp An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre,…. liên quan đến các vấn đề như thực hiện Đề án 06; những khó khăn trong việc thu hút, phát triển đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên, giám định tư pháp; vấn đề luân chuyển, điều động công chức tư pháp – hộ tịch; số hoá hộ tịch tại địa phương; vấn đề liên quan đến xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật…
Những kết quả về công tác tư pháp đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và có ý nghĩa tích cực góp phần giúp toàn ngành Tư pháp hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm của các Sở Tư pháp, tư pháp địa phương. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong khu vực, kết quả mà các cơ quan tư pháp địa phương đạt được đã đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, khu vực.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2022 được xác định là năm bản lề để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với dự báo tình hình có những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức, trong đó, khó khăn, thách thức là chủ yếu.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp trong những tháng cuối năm, các địa phương cần: tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ các nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm công tác, nhất là đối với những nhiệm vụ chưa hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện; tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phát huy vai trò tham mưu, cho ý kiến pháp lý đối với các nhiệm vụ được giao; chủ động rà soát, tham gia trách nhiệm, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức; tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, lưu ý thực hiện cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch, lĩnh lực lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất các giải pháp trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành, trong đó, chú trọng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.