Ngày pháp luật

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế

K.Q/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Ngày 11/10, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sinh hoạt công tác pháp chế năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, triển khai và đánh giá công tác thi hành pháp luật là lĩnh vực được Bộ đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sát sao cùng với sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ nên công tác xây dựng pháp luật của ngành đã đạt được những kết quả khả quan.

Các văn bản pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo đều đúng tiến độ trình Quốc hội; hệ thống các Nghị định, Thông tư được xây dựng đều đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế - Ảnh 1

Để đạt được kết quả trên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định đó là nhờ sự hỗ trợ, quan tâm, phối hợp của Bộ Tư pháp và pháp chế các Bộ, ngành. Thời gian tới, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực của ngành.

Báo cáo về tình hình tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết: Công tác xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ, ngành VHTTDL đã chủ động, kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ; việc tổ chức thực hiện các chính sách trong xây dựng VBQPPL được thực hiện đầy đủ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến VBQPPL được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện tương đối cơ bản, nề nếp theo đúng quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), với hình thức phổ biến đa dạng, trong đó có thể kể đến cuộc thi Tuyên truyền PBGDPL thông qua hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở đang được Bộ tổ chức. Việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân được thực hiện bài bản, chặt chẽ qua nhiều kênh như: thông qua Quốc hội, qua cơ quan báo chí, trực tiếp qua công dân, qua thanh tra, kiểm tra.

Để tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, ông Liêm đề xuất cần nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL, gắn trách nhiệm các cơ quan trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật; có kế hoạch cụ thể, chi tiết trước khi tổ chức thi hành 1 văn bản mới được ban hành; thường xuyên tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức cá nhân đảm bảo khoa học, qua nhiều kênh khác nhau; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác thi hành pháp luật.

Thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nêu rõ: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, bao gồm các nội dung : phạm vi, đối tượng điều chỉnh; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; tiêu chuẩn người đứng đầu tổ chức pháp chế; trách nhiệm của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, về công tác phối hợp giữa các tổ chức pháp chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, về giải pháp tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL.

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức pháp chế - Ảnh 2

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá công tác pháp chế có khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp hơn, yêu cầu ngày càng cao hơn. Trong khi đó đội ngũ cán bộ pháp chế còn mỏng, thiếu tính ổn định; kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế. Tuy nhiên, công tác pháp chế vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều cách làm mới, hiệu quả.

Thời gian tới, các tổ chức pháp chế cần tập trung làm tốt công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, cho ý kiến góp ý VBQPPL, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức pháp chế dưới nhiều hình thức đa dạng hơn. Đặc biệt, cần quan tâm làm tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những vướng mắc trong thực tiễn.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định.

Tin Cùng Chuyên Mục