Ngày pháp luật

Lấy ý kiến dự thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030"

Lê Thị Hảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao về việc xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” , Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BTP về kế hoạch xây dựng Đề án trên.

Thực hiện Kế hoạch trên, Thường trực Tổ soạn thảo phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Ban Quản lý Chương trình HTPLLN) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án, ngày 06-07/10/2022, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình HTPLLN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án và khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý tại một số cơ quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo do ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình HTPLLN chủ trì. Tham gia Hội thảo có đại diện các Bộ ngành như Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số đơn vị của Bộ Tư pháp (Văn phòng Bộ, Cục Con nuôi, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế); đại diện các sở ban ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (tham gia trực tiếp) và đại diện các sở ban ngành thuộc 13 tỉnh, thành phố lân cận bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (tham dự trực tuyến).

Mở đầu Hội thảo, ông Cao Đăng Vinh cho rằng, pháp lý là vấn đề quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ khi thành lập cho đến khi hoạt động cũng như giải thể, tuy nhiên không phải tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có cán bộ/bộ phận phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp. Do đó, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hoạt động cần thiết, thiết thực đối với các doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này và triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tư pháp mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, sau khi được nghe Bộ Tư pháp trình bày dự thảo Đề án xin ý kiến, các đại biểu tham dự Hội thảo được lắng nghe ý kiến của một số đơn vị như Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng; Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng; một số đại diện của các Văn phòng Luật sư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, các đại biểu về cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án, tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Đề án, các đại biểu cho rằng: Cần phát triển mạnh hơn nữa hoạt động của mạng lưới tư vấn viên của các bộ, ngành; tăng cường các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; có chế độ hỗ trợ đối với những cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như bộ phận đầu mối của Sở Tư pháp tổng hợp, theo dõi công tác này; Chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng những chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để các địa phương được tham gia, qua đó địa phương vừa được hỗ trợ kinh phí thực hiện, vừa được học tập kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan Trung ương về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Có giải pháp tăng cường kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho các địa phương; kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khi có đề nghị từ địa phương; biên soạn các tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành liên quan. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Chương trình tọa đàm là cầu nối giúp các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hay gặp phải, đồng thời lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên thực tế, phát huy vai trò, ý nghĩa của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng truyền thông mạng xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý bởi việc thực hiện trực tiếp theo cách truyền thống sẽ không hiệu quả bằng và tốn kém hơn cho doanh nghiệp và cả ngân sách.

Ngoài ra, trong dự thảo Đề án, cân nhắc việc quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp) trong công tác hỗ trợ pháp lý, bởi đây là các cơ quan có ảnh hưởng lớn trong việc đưa pháp luật gần với người dân, doanh nghiệp.

Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng
Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng

Bên cạnh ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát tại Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, đại diện các cơ quan cho rằng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn, cụ thể như: các doanh nghiệp còn ngại khi được sử dụng dịch vụ “pháp lý” miễn phí; các cơ quan ban ngành khi được “hỏi” còn chậm trả lời khi doanh nghiệp có nhu cầu, do đó doanh nghiệp họ thiếu niềm tin khi yêu cầu cơ quan nhà nước giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật; các cơ quan cơ nước còn thiếu sự phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt khi có văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành...

Do đó, các cơ quan đề xuất Bộ Tư pháp và hi vọng khi Đề án được thông qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả, thiết thực hơn, gần doanh nghiệp hơn đảm bảo hiệu quả của công cụ “pháp lý” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết thúc Hội thảo và khảo sát, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình HTPLLN cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan tham gia khảo sát và Bộ Tư pháp ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Tin Cùng Chuyên Mục