Ngày pháp luật

Hòa Phát bước vào chu kỳ mới của ngành thép

Theo TheLEADER

Trong quá khứ, mỗi khi Hòa Phát đưa các nhà máy mới vào hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất cũng là thời điểm thị trường thép khởi sắc.

Theo dự báo mới đây của Worldsteel, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023. Trong đó khu vực Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng về nhu cầu năm 2023. Worldsteel dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc có thể phục hồi 2% đạt gần 940 triệu tấn và nhu cầu thép của ASEAN sẽ tăng 6,2% lên hơn 77 triệu tấn trong năm nay. 

Nhờ xu hướng phục hồi của thị trường, tháng 5/2023, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố tổng lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, tăng 16% so với tháng 4 trước đó.

Có thể thấy, đúng như tuyên bố của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát tại ĐHĐCĐ năm 2023, "giai đoạn khốc liệt nhất ngành thép đã qua”. Kết quả kinh doanh của Hoà Phát cho thấy bức tranh đã tích cực hơn khi so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.

Mới đây, Hoà Phát cho biết đã lên kế hoạch khởi động và vận hành đủ 7 lò cao vào cuối tháng 5. Hòa Phát đang có 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.

Đồng thời Hòa Phát tiếp tục đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, bao gồm dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc, Khu thương mại - dịch vụ, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng.

Động thái này cho thấy Hoà Phát vẫn đang tích cực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới sau khi được phê duyệt nâng công suất khu liên hợp gang thép Dung Quất 1 (từ 4 triệu tấn/năm lên 6 triệu tấn/năm) và tập trung phát triển khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 (khoảng 5,6 triệu tấn/năm, dự kiến quý I/2025 đưa vào khai thác).

Doanh thu, lợi nhuận và tài sản của Hoà Phát tăng vọt sau mỗi giai đoạn tăng công suất  
Doanh thu, lợi nhuận và tài sản của Hoà Phát tăng vọt sau mỗi giai đoạn tăng công suất  

Trong quá khứ, có thể thấy vào mỗi giai đoạn Hoà Phát đưa nhà máy mới vào hoạt động, tăng mạnh năng lực sản xuất, cũng là thời điểm thị trường thép khởi sắc. Gần đây nhất là giai đoạn 2019-2020, khi nhà máy Dung Quất 1 được đưa vào khai thác, kết quả kinh doanh của Hoà Phát nhảy vọt với mức tăng trưởng trên 40% của doanh thu và lợi nhuận gộp.

Cụ thể, tập đoàn ghi nhận doanh thu tăng từ 56.600 tỷ đồng năm 2019 lên 91.000 tỷ đồng năm 2020, trước khi đạt mức doanh thu đỉnh cao mọi thời đại 151.000 tỷ đồng năm 2021, tăng trưởng gần 300% so với năm 2018 - thời điểm trước khi đưa nhà máy vào hoạt động.

Trước đó, vào đầu năm 2016, nhà máy cán thép số 4 thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương chính thức được đưa vào chạy thử mẻ thép đầu tiên, hoàn thành đúng tiến độ đề ra và góp phần giúp tăng 50% năng lực sản xuất cho công ty, lên khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong năm tài chính này, tài sản cố định của HPG cũng tăng tương ứng khoảng 50% từ mức 8.200 tỷ đồng lên gần 12.700 tỷ đồng. Sau đó, doanh thu thép của Hoà Phát đã duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng trên 20% mỗi năm trong suốt giai đoạn 2016-2018.

Những tín hiệu hồi phục gần đây của thị trường thép cùng những động thái đẩy mạnh đầu tư mở rộng của Hòa Phát mang tới những kỳ vọng tích cực hơn đối với tập đoàn này nói riêng cũng như thị trường thép nói chung trong thời gian tới.

Trong  quý 1/2023, Hoà Phát ghi nhận mức doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. 

Tin Cùng Chuyên Mục