Công việc là đam mê
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, Thanh Mai đã có ý thức tự lập từ nhỏ. Như cách chị nói, với bản tính “biết thân biết phận” nên chị luôn nỗ lực, chăm chỉ trong mọi công việc dù lúc còn thiếu thốn hay khi đã đủ đầy.
Sớm bén duyên với nghệ thuật, chị đã được biết đến trong vai trò MC của Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2004 và là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương từ năm 2007 đến nay. Năm 2011, chị đảm nhiệm thêm vai trò doanh nhân với Trung tâm chuyên đào tạo kỹ năng mềm Vietskill. Cùng lúc đóng nhiều “vai”, để hoàn thành tốt mọi vị trí là thử thách mà không phải ai cũng dám thử nhưng với MC Thanh Mai, dường như mong ước cống hiến của chị chưa bao giờ ngưng và chỉ khi được lao động, truyền dạy những hiểu biết của mình để giúp đỡ người khác thì chị mới tìm được hạnh phúc.
Chị chia sẻ: “Tôi may mắn là một trong lứa MC đời đầu, được nuôi dưỡng và trau dồi trong môi trường sư phạm cũng như tại Đài truyền hình Việt Nam. Khi ấy, MC vẫn còn là một nghề khá lạ và chưa được quan tâm như hiện nay nhưng ngay lúc đó, tôi đã thấy rằng, các kỹ năng MC nói riêng và khả năng thuyết trình, kiểm soát giọng nói cũng như kỹ năng mềm nói chung là những yếu tố đặc biệt quan trọng trong công việc và cuộc sống mỗi người. Không phải chỉ riêng những người làm nghề đặc trưng mà ngay trong giao tiếp thông thường, các kỹ năng này cũng vô cùng cần thiết. Bởi vậy, tôi đã quyết định mở Trung tâm đào tạo Kỹ năng mềm Vietskill cũng là một trong những đơn vị hiếm hoi có các khóa học MC từ chuyên nghiệp tới không chuyên vào thời điểm đó. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan” nhất là với lĩnh vực còn chưa được biết tới rộng rãi khi ấy. Để duy trì doanh nghiệp, tôi mở thêm trường mẫu giáo đào tạo kỹ năng từ sớm. Tới khi đó, tôi bỗng chợt nhận ra, hầu như toàn bộ học viên của Trung tâm, từ những bé 6 tháng, 12 tháng cho tới người lớn tuổi đã đi làm, thậm chí có những người làm việc ở các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp hay đơn vị lớn cũng đều mắc phải vấn đề trong cách phát âm.
Nhìn rộng hơn, tôi nhận thấy đó đã thực sự là vấn nạn mà nhiều người Việt Nam vẫn đang gặp phải mỗi ngày nhưng dường như đã bị bỏ qua. Quan trọng hơn, trong chương trình giảng dạy hiện nay cũng chưa tập trung tới vấn đề luyện tập khẩu hình chuẩn, đặc biệt, đối với các trung tâm, đơn vị y tế điều trị bệnh lý câm hay khuyết tật về ngôn ngữ cũng chưa thực sự có giáo trình hay nghiên cứu đầy đủ về cách phát âm và khẩu hình chuẩn tiếng Việt. Do đó, rất nhiều trường hợp vốn có thể cứu chữa được chỉ bằng luyện tập khẩu hình chuẩn lại bị coi là “bó tay”.
Có lẽ, chính từ những nỗi đau, trăn trở mà chị cảm nhận được từ các học viên của mình đã thôi thúc chị tìm kiếm, thể nghiệm và đúc kết nên phương pháp “chữa ngọng” chưa từng có trước đây. “Đó là thành quả của 13 năm chính thức nghiên cứu trên hàng ngàn trường hợp ngọng tự nhiên cũng như bệnh lý nhưng thực tế, phương pháp này là cô đọng kiến thức tích lũy cả đời của tôi cho tới giờ. Nếu chỉ là vấn đề lợi nhuận, có lẽ tôi đã không mất tâm sức nhiều tới vậy. Mong ước của tôi là toàn dân Việt Nam không ai còn gặp phải trở ngại trong cuộc sống do “nói ngọng” nữa. Đặc biệt, với các trường hợp ngọng bệnh lý, phương pháp này cũng là trợ lực đồng hành, tiếp sức cho họ và người thân trên hành trình tìm lại giọng nói của chính mình”.
Khi doanh nhân viết cho doanh nhân
Bên cạnh công việc MC, giảng viên đại học, chủ doanh nghiệp thì gần đây, chị Thanh Mai đã thành công với vai trò mới là tác giả của hai cuốn sách “Cẩm nang chữa nói ngọng” và “Kỹ năng thuyết trình doanh nhân”. Đáng chú ý, cuốn sách “Kỹ năng thuyết trình doanh nhân” được coi là tác phẩm đầu tiên của một doanh nhân Việt viết cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam, chuyên sâu về vấn đề thuyết trình cũng như các vấn đề thực tế trong giao tiếp thường mắc phải.
Khi viết nên cuốn sách này, tác giả Thanh Mai không chỉ dùng những kỹ năng của MC để giảng giải mà chị đặt mình vào vị thế của một doanh nhân đã có thâm niên 13 năm trong môi trường kinh doanh để quan sát, cảm nhận và đúc rút ra những nguyên tắc bất di bất dịch cũng như các tình huống thường gặp mà người doanh nhân cần biết. Không nặng nề lý thuyết hay phân tích khó hiểu, cuốn sách tập trung vào những kỹ thuật cơ bản và hướng dẫn cụ thể, thực tế để người đọc có thể áp dụng ngay lập tức.
Nữ doanh nhân chia sẻ: “Tôi đã từng gặp rất nhiều giáo sư, tiến sĩ hay chủ doanh nghiệp đáng kính, họ là những người có chuyên môn giỏi, tài năng không thể phủ nhận nhưng đáng tiếc, họ chưa được trau dồi về kỹ năng thuyết trình. Bởi vậy, khi giao tiếp hay phát biểu, họ thường thiếu tự tin hay không thể bộc lộ hết bản thân, dẫn đến những trở ngại trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể cải thiện được và khi một người biết cách hoàn thiện các kỹ năng thì chính những rào cản trước đây có thể sẽ biến thành thế mạnh sau này”.
"Phương pháp chữa ngọng của tôi vốn không phải là sửa bỏ giọng địa phương mà là dùng âm điệu địa phương kết hợp với khẩu hình phát âm chuẩn để tạo nên thanh âm tiếng Việt trong trẻo, rõ ràng hơn nhưng vẫn giữ được trọn vẹn vẻ đẹp của âm sắc mỗi vùng miền”.