Ngày pháp luật

Dự án chậm triển khai, dòng tiền âm nặng, cổ đông lớn tháo chạy khỏi SAM Holdings?

Quỳnh Chi

Những năm gần đây, lợi nhuận của SAM phụ thuộc nhiều vào hoạt động tài chính, chủ yếu là danh mục đầu tư chứng khoán trong khi mảng kinh doanh lõi thường lỗ, hoặc lãi không đáng kể.

Doanh thu tài chính lại gánh lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 439,21 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại được cải thiện từ 5,5% lên 8,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 10,9 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ.

Dự án chậm triển khai, dòng tiền âm nặng, cổ đông lớn tháo chạy khỏi SAM Holdings? - Ảnh 1

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 10,9% xuống mức 42,5 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng giảm 22,5% xuống còn 22,33 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Kết quả, SAM Holdings lãi ròng 12,9 tỷ đồng, tăng 116,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, nếu không có doanh thu tài chính, công ty thậm chí còn lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo thuyết minh, doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi bán các khoản đầu tư ghi nhận 31,3 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính khác ghi nhận 5,58 tỷ đồng… Trong đó, lãi bán các khoản đầu tư tăng 522,3% so với cùng kỳ, lên 31,3 tỷ đồng.

Mặc dù có lãi nhưng SAM Holdings vẫn tiếp tục gặp vấn đề với dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ấm hơn 244 tỷ đồng trong quý 1/2023, so với mức âm 139,7 tỷ đồng cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 53,9 tỷ đồng trong khi dòng tiền tài chính ghi nhận âm 74,7 tỷ đồng.

Năm 2023, SAM Holdings lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.407 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 90 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được quý đầu năm, công ty mới thực hiện được gần 21% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Những năm gần đây, lợi nhuận của SAM phụ thuộc nhiều vào hoạt động tài chính, chủ yếu là danh mục đầu tư chứng khoán trong khi mảng kinh doanh lõi thường lỗ, hoặc lãi không đáng kể. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa ổn định, thanh khoản sụt giảm và bất động sản trầm lắng, cả hai mảng kinh doanh chính của SAM đều gặp khó khăn. Thêm nữa, các dự án bất động sản của công ty đều trong tình trạng chậm triển khai, chưa biết đến khi nào mới thu được tiền về.

Dự án chậm triển khai

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của SAM Holdings, nhiều cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo về hiệu quả sử dụng tài sản thấp so với doanh nghiệp có cùng điểm xuất phát như REE, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án của công ty chậm triển khai trong một thời gian dài, chẳng hạn dự án Samland

Riverside đã trễ 3 năm so với kế hoạch (dự kiến triển khai từ năm 2016 đến tháng 11/2019, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của UBND TP.HCM). Theo lý giải của ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings, do 3 năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ và đến năm 2022 về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Tương tự, với dự án 55 ha tại Nhơn Trạch (dự kiến triển khai từ năm 2018 đến tháng 6/2025 theo chấp thuận chủ đầu tư dự án của UBND tỉnh Đồng Nai), công ty đã giải phóng được 75% tổng diện tích, đặt mục tiêu quý 2/2022 đền bù xong 100% và có thể chọn thời điểm mở bán để tối ưu hóa lợi nhuận. Trước đó, trong năm 2021, SAM Holdings hoàn tất các thủ tục pháp lý và thông qua kế hoạch giải phóng mặt bằng tại dự án này nhưng đến giờ vẫn chưa xong.

Ngoài thực hiện các dự án bất động sản thương mại, trong những năm gần đây, SAM Holdings phát triển thêm các dự án bất động sản khu công nghiệp và nghỉ dưỡng. Tính tới 31/3/2023, SAM Holdings triển khai dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2, diện tích 103 ha với giá trị đầu tư đạt 134,9 tỷ đồng, trên tổng vốn đầu tư 433,28 tỷ đồng; và 250,3 tỷ đồng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Tuyền Lâm, Lâm Đồng với quy mô 194,92 ha.

Ban lãnh đạo SAM Holdings từng nhiều lần khẳng định doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản “hiếm” tuy nhiên, các tài sản này đa phần chưa được đưa vào khai thác, không tạo được dòng tiền. Dự án Samland Riverside nếu tiếp tục chậm tiến độ sẽ làm chôn vốn đầu tư và có nguy cơ lỗi thời. Trong khi đó, việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án 55 ha tại Nhơn Trạch có thể kéo theo chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao.

Cổ đông lớn tháo chạy

Trong bối cảnh kinh doanh không mấy khởi sắc, cổ đông lớn của SAM Holdings là CTCP Chứng khoán Quốc gia đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 8,9 triệu cổ phiếu SAM từ ngày 27/2-28/4. Chứng khoán Quốc gia là tổ chức có liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Lê Sơn Sau giao dịch, tổ chức này đã không còn là cổ đông của SAM Holdings.

Động thái thoái vốn của cổ đông lớn diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu SAM đang ngụp lặn vùng đáy. Thị giá SAM hiện đang dừng ở mức 6.500 đồng/cp, cao hơn gần 11% sau gần một tháng nhưng mới chỉ bằng chưa đến 1/4 mức đỉnh đạt được vào đầu năm 2022. Ước tính, Chứng khoán Quốc gia có thể thu về khoảng hơn 50 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Sau khi Chứng khoán Quốc gia thoái vốn, SAM Holdings không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn điều lệ, toàn bộ là cổ đông nhỏ. 5 thành viên Hội đồng quản trị, gồm ông Hoàng Lê Sơn (Chủ tịch), ông Phương Xuân Thuỵ, ông Bùi Quang Bách, ông Trần Việt Anh (Tổng giám đốc) và ông Nguyễn Minh Tùng đều không sở hữu cổ phần nào. Việc tổ chức liên quan đến Chủ tịch HĐQT thoái sạch vốn cũng khiến cổ đông không khỏi đặt dấu hỏi.

Tin Cùng Chuyên Mục