Giá vàng thế giới bước sang tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đồng USD suy yếu và những đặt cược cho khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) mạnh tay nâng lãi suất đã “hạ nhiệt”.
Theo các nhà phân tích, yếu tố lớn nhất thúc đẩy đà tăng giá mới của giá vàng là sự suy yếu của đồng USD. Ở thời điểm hiện tại, dù vẫn ở mức tương đối cao nhưng "đồng bạc xanh" đã giảm 3% so với mức cao nhất vào đầu tháng.
Biên bản cuộc họp tháng 5 của Ủy ban Thị trường Mở của Fed (FOMC) mới công bố cho thấy, ngân hàng trung ương nhắc lại lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Cơ quan này nhận thấy, nguy cơ lạm phát tăng cao và ngày càng đe dọa với nền kinh tế. Các thành viên cũng nhất trí cho rằng, việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào các cuộc họp tiếp theo là phù hợp.
Chuyên gia Ilya Spivak, chiến lược gia tiền tệ tại chuyên trang tài chính DailyFX nhận định, "hiện giá vàng có mức hỗ trợ quanh khoảng 1.830 USD/ounce theo hướng giảm. Về phía tăng, mức quan trọng tiếp theo của giá kim loại quý này là khoảng 1.885 USD/ounce".
Đề cập tới dự đoán giá vàng tuần tới, trong số 17 nhà phân tích tại Phố Wall tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News, có 11 nhà phân tích (chiếm 65%) tin giá vàng sẽ tăng trở lại. Có 2 nhà phân tích (12%) quả quyết giá vàng sẽ giảm và bốn nhà phân tích còn lại giữ thái độ trung lập về giá.
Trong khi đó, với 570 phiếu bầu đã được thực hiện trong các cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, có 317 người được hỏi (56%) cho rằng vàng sẽ tăng giá vào tuần tới. 163 người khác (tương đương 29%) lại tin tưởng, giá vàng sẽ thấp hơn, và 90 người còn lại cho rằng giá vàng tiếp tục đi ngang.
Ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định, thị trường vẫn cần một tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng các số liệu kinh tế quan trọng đang trở nên tồi tệ, đến mức Fed nghĩ đến việc tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Innes cũng lưu ý thêm rằng, nếu Fed báo hiệu tạm dừng việc nâng lãi suất, vàng sẽ tăng cao hơn nhiều. Nhưng cho đến khi họ thực sự làm như vậy, kim loại quý này dự đoán sẽ chỉ giao dịch trong phạm vi nhất định.
Chia sẻ về niềm tin lạc quan với kim loại quý, Chủ tịch kiêm Giám đốc Đầu tư của Merk Investments Axel Merk nói rằng, triển vọng kinh tế Mỹ có thể "rối" hơn khi Fed phải đối mặt với một trận chiến chống lạm phát khó khăn.
Mặc dù giá vàng đã giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce và phải vật lộn để thu hút động lực tăng giá mới, nhưng ông Merk cho rằng, kim loại quý vẫn là một kênh đầu tư quan trọng. Vàng tiếp tục đóng vai trò như một kênh trú ẩn an toàn chống lại lạm phát và hoạt động tốt hơn thị trường chứng khoán.
Cùng chung quan điểm, ông Sean Lusk, đồng Giám đốc Bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading cho biết: “Giá năng lượng tiếp tục tăng và sẽ đẩy áp lực lạm phát lên cao hơn. Lạm phát sẽ làm gia tăng lo ngại suy thoái, khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn".
Phillip Streible, Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures, cho biết, ông coi sự tăng vọt trên thị trường chứng khoán là một đợt phục hồi cổ điển và ông cũng coi vàng là một tài sản trú ẩn an toàn quan trọng.
Về mặt kỹ thuật, việc giữ giá vàng ở mốc 1.850 USD/ounce là ổn định. Vàng không những bật khỏi mức thấp nhất của tuần trước mà chỉ số đo lường mức độ biến động của nó đã giảm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều lạc quan rằng giá vàng sẽ có thể duy trì ở mức 1.850 USD/ounce. Trong khi lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm, Bark Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết, lạm phát sẽ vẫn leo thang cho đến năm 2022.
"Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và điều đó sẽ tiêu cực đối với vàng”, ông Melek chia sẻ.
Một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng, lạm phát ổn định trong chu kỳ thắt chặt tích cực của Fed sẽ đẩy lợi suất thực tế cao hơn, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn như một tài sản phi lợi suất.