Giá vàng thế giới hôm nay tiếp đà giảm trong bối cảnh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm giảm độ hấp dẫn của kim loại quý. Cùng với đó, áp lực từ thị trường chứng khoán "xanh sàn" cũng là yếu tố khiến giá vàng đi xuống.
Ông Bart Melek, người đứng đầu phòng chiến lược hàng hóa tại TD Securities nhận định, thị trường đã bắt đầu nhận ra rằng Fed sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát. Bởi lẽ, kim loại quý rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Mỹ, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Trước thông tin này, giới đầu cơ suy đoán, giá vàng sẽ tiếp đà đi xuống nên tranh thủ bán khống, chờ giảm giá sẽ mua vào. Do đó, giá kim loại quý có thời điểm từ 1.850 USD lùi về 1.840 USD/ounce.
Ở mức thấp này, giới đầu tư lại mua vào, kéo giá vàng tăng nhẹ trở lại. Hiện mỗi ounce vàng thế giới niêm yết trên sàn Hong Kong giao dịch tại 1.853 USD.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho rằng, vàng dường như chững lại khi chạm ngưỡng kháng cự kỹ thuật và sau đó thị trường sẽ ghi nhận tình trạng bán tháo và chốt lời trong thời gian dài. Đây là vấn đề then chốt đối với vàng vào thời điểm hiện tại.
Mặc cho giá vàng thế giới đi xuống, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước lại bật tăng mạnh với biên độ tăng tới 100.000 - 150.000 đồng/lượng.
Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều, giao dịch ở 68,4 - 69,42 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, giá vàng miếng SJC tại Doji giao dịch 68,4 - 69,35 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và tăng 250.000 đồng ở chiều bán.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.103 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.