Ngày pháp luật

Điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2022 và cơ hội 2023

Quỳnh Chi

Nhìn lại năm 2022, Việt Nam là điểm sáng với tăng trưởng tốt, duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm diễn ra ngày 17/12, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái... Phân tích về kết quả này, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, có sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. 

Điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2022 và cơ hội 2023 - Ảnh 1

Số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt cột mốc mới 700 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 15/12. Đây là cột mốc mới ghi dấu về quy mô thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Điểm sáng xuất nhập khẩu năm nay phải kể đến nhóm nông - lâm - thủy sản với sự bứt tốc ấn tượng, 11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và dự báo tháng 12 sẽ tiếp tục đà tăng. Trong đó, chuối và sầu riêng là hai mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất, lên đến hơn 200% về giá trị...

Theo Bộ Công thương, hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, hầu hết các thị trường trên thế giới đã nới lỏng và trở lại bình thường. Bên cạnh đó, chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận tải biển giảm xuống cũng phần nào giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế hơn trong việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm tới.

Năm 2022, dự kiến xuất siêu có thể đạt hơn 10 tỷ USD, đồng nghĩa với dấu ấn Việt Nam xuất siêu bảy năm liên tiếp. Đáng chú ý, 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong số này có tám mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD.

Thủy sản lần đầu tiên xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD trong 11 tháng. Dệt may, da giày cũng lần lượt cán đích. Đây là những tín hiệu tích cực trong năm, cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Đánh giá về kết quả một năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm nay dù có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt những kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn; chính trị ổn định; an ninh - trật tự, chủ quyền quốc gia bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường...

Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. “Chúng ta không tô hồng nhưng cũng không bôi đen”, Thủ tướng khẳng định.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam là nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng. Từ những tín hiệu đó, ADB cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%. Ông Andrew Jeffries lưu ý đến những “cơn gió ngược”. Đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc thắt chặt tiền tệ, những bất thường trên thị trường trái phiếu...

Năm 2023 thách thức, cơ hội đan xen

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi.

Đánh giá về nền kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp nhìn nhận, quý 4/2022 và sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng do tác động từ các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, đã tác động rất lớn đến nền kinh tế.

Theo ông Long, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để đưa ra đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023, tập trung vào hai chính sách quan trọng là chính sách tiền tệ và tài khóa.

“Sự quan tâm của Chính phủ với vai trò “bà đỡ” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, song phải khẳng định để phát triển và tồn tại vẫn cần vai trò của doanh nghiệp”, ông Long nói

Đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng dự báo, sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng.

Ngoài ra, về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng thiếu vắng đơn hàng.

“Nguyên nhân để xảy ra những vấn đề này bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề về kinh tế toàn cầu nên Việt Nam không thể nằm ngoài. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông Long cho hay.

Nhận định về năm 2023, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng khó khăn năm tới chủ yếu đến từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các nước phát triển. 

Ngân hàng Thế giới vào tháng 10/2022 đã dự báo tăng trưởng 2023, 2024 của Việt Nam sẽ giảm nhẹ so với 2022, xuất khẩu sẽ không đóng góp tốt như năm 2022.

Dự báo mới nhất vào tháng 12 của các tổ chức thế giới đều nhận định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ giảm dưới 7%. Tuy nhiên vẫn là mức tăng trưởng tốt so với khu vực ASEAN (4,9%), châu Á Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%).

Theo Ngân hàng Thế giới, hai động lực của Việt Nam gồm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đề chững lại, do các yếu tố lạm phát toàn cầu. Suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính (Mỹ, châu Âu và Trung Quốc) và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định những yếu tố nghịch cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023  bao gồm cầu bên ngoài chậm lại, động lực xuất khẩu suy yếu và điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Natixis Bank thì cho rằng nhu cầu ở Mỹ và EU giảm nhanh tác động tiêu cực lên kinh tế châu Á. Trong đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất (xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm 41% tổng xuất khẩu và 38% GDP).

Đề cập đến những thuận lợi, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh Việt Nam đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính, kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đâu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực. Ngoài ra còn phải kể đến các lợi thế nội tại về tải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế.

Theo TS. Đinh Thế Hiến, Việt Nam đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản, từng bước đưa thị trường bất động sản về sự thiết thực và ổn định. Điều này giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế thực và các công ty sản xuất kinh doanh.

Dự báo năm tới, chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý III/2023. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I và quý II/2023 và sẽ phục hồi vào quý III/2023.  

Ông Hiển cũng cho rằng nền kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và sẽ có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.

Ngoài ra, thị trường bất động sản được dự báo phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công ngiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục