Ngày pháp luật

Đầu tư 65 triệu kỳ vọng hưởng 1.280 tỷ đồng, hàng nghìn người sập bẫy đa cấp

Văn Minh

Chỉ cần đầu tư 650.000 đồng có cơ hội nhận được 12,8 tỷ đồng, bỏ ra 65 triệu đồng thì thu về 1.280 tỷ đồng. Đó là chiêu trò mà Công ty An Phát Thịnh tung ra để dụ dỗ nhà đầu tư tham gia sàn thương mại điện tử ảo.

Quảng cáo bỏ một vốn thu nghìn lời

Gần đây, nhiều lá đơn gửi đến tòa soạn tố cáo Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Phát Thịnh có hành vi sử dụng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản dưới dạng huy động vốn đầu tư vào sàn thương mại điện tử ảo.

Công ty này có trụ sở tại số 147, phố Chùa Hà, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc do ông Hạ Văn Phước (sinh năm 1975) làm đại diện pháp luật. An Phát Thịnh được cấp phép ngày 12/3, có vốn điều lệ 3 tỷ đồng với lĩnh vực kinh doanh chính gồm buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Sau khi đăng ký kinh doanh, Công ty An Phát Thịnh lập website anphatthinh.net để tạo sàn thương mại điện tử với lời quảng cáo đây là gian hàng cộng đồng, chuyên bán các sản phẩm do công ty sản xuất hoặc phân phối. Bên cạnh đó, theo quảng cáo, khách hàng khi tham gia gian hàng thương mại điện tử có thể trao đổi, mua bán miễn phí.

Các sản phẩm sữa Canxi Nano được quảng cáo trên website: anphatthinh.net 
Các sản phẩm sữa Canxi Nano được quảng cáo trên website: anphatthinh.net 

Nhân viên Công ty An Phát Thịnh tung hô đây là một sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, có các dòng sản phẩm chính gồm: sữa canxi nano - nguyên liệu nhập từ New Zealand, đông trùng hạ thảo, đồ dùng thiết yếu... Tất cả các sản phẩm trên đều đã được cấp phép lưu hành.

Công ty cũng quảng cáo khách hàng tham gia không phải bán sản phẩm, không phải bỏ tiền lấy hàng, không phải giao sản phẩm cho khách, không phải dạy và học về sản phẩm, không phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm… Tất cả An Phát Thịnh sẽ lo 100%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại yêu cầu khách chi 650.000 đồng để kích hoạt tài khoản PRO tại sàn thương mại điện tử của Công ty An Phát Thịnh và sẽ được nhận một sản phẩm bất kỳ trị giá 500.000 đồng.

Số tiền 150.000 đồng còn lại, công ty tạo thành một mã khách hàng trên hệ thống để tri ân, mỗi mã khách hàng này sẽ chứa 120 ID, mỗi một ID trị giá 30.000 đồng.  Bằng cách quy đổi đó, công ty này quảng cáo chỉ cần bỏ ra 650.000 đồng kích hoạt tài khoản, khách hàng được Công ty An Phát Thịnh tặng cho 1 hộp sữa và tri ân 3,6 triệu đồng mà không phải làm gì (120 ID x 30.000 đồng = 3,6 triệu đồng).

Với số tiền 3,6 triệu đồng tri ân lần 1, khách được chuyển vào ví tri ân điện tử 3 triệu đồng (vẫn trong hệ thống của An Phát Thịnh), số tiền 600.000 đồng còn lại được hệ thống tạo thành 4 mã tri ân tiếp theo. Với 4 mã đó, khách hàng chỉ cần ngồi chờ đến lần tri ân thứ 2, sẽ tiếp tục nhận được 14,4 triệu đồng tiền tri ân. Hệ thống sẽ giữ lại 2,4 triệu đồng để tiếp tục tạo thành 16 mã tri ân mới. 

Cứ như vậy, lấy số tiền được tri ân trong lần gần nhất nhân với 4 cho đến khi tràn tầng là lần tri ân thứ 7, khách hàng không phải làm gì mà vẫn có thể thu về 12,88 tỷ đồng. 

Đặc biệt, công ty này cũng đưa ra nhiều gói giá trị lớn với ưu đãi lớn hơn. Trong đó, với gói VIP trị giá 65 triệu đồng. Cũng với cách thức tương tự của gói PRO, theo quảng cáo, ngay từ lần thứ 2 khách sẽ được tri ân 1,2 tỷ đồng, lần 3 là 4,8 tỷ đồng… cho đến khi tràn tầng ở lần 7 thì thu về 1.280 tỷ đồng.

Ngoài số tiền được tri ân nêu trên, theo quảng cáo của công ty An Phát Thịnh, khi kích hoạt 2 gói PRO và VIP, khách còn được hưởng 2% doanh thu toàn công ty. Nếu khách hàng đầu tư từ 3 đến 6 mã VIP, mỗi tháng còn trả lương từ 50 – 70 triệu đồng.

Khi xây dựng hệ thống đại lý, khách hàng ở thế hệ F0 được hưởng: 13% của hệ F1; 3% của hệ F2; 4% của hệ F3. Và từ cấp 1 đến cấp 6 sẽ được hưởng từ 1% đến 6% hoa hồng của cấp dưới, kèm 1,5% doanh thu toàn công ty. 

Tuy nhiên, giai đoạn đầu một số người tham gia vào sàn sàn thương mại điện tử ở thế hệ F1 đều được Công ty An Phát Thịnh tặng sữa, lập mã khách hàng và tri ân ngay từ 3 triệu đồng đến 300 triệu đồng vào ví “ảo” trên hệ thống. Những người F1 này sau đó tiếp tục đổ tiền đầu tư vào Công ty An Phát Thịnh, đồng thời còn mời gọi bạn bè người thân tham gia vào hệ thống của Công ty ở thế hệ F2, F3, F4 nhằm hưởng lương và phần trăm hoa hồng.

Khách hàng chuyển tiền xong thì không tặng quà

Làm công nhân với mức lương bèo bọt không đủ sống, khi được bạn bè mời đầu tư vào Công ty An Phát Thịnh để nhận tri ân ở mức “trên mây”, chị Linh Thị T (Khánh Hòa) đã vay mượn bạn bè đầu tư ngay 5 gói VIP, 2 gói PRO và rủ thêm 18 người bạn khác cùng tham gia đầu tư khoảng gần 1 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị H (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cùng nhóm bạn đã tham gia đầu tư vào công ty này hơn 700 triệu đồng.  Hàng chục người khác tại Thái Bình, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên... cũng đầu tư vào Công ty An Phát Thịnh khoảng 2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, từ tháng 4/2020 đến nay đã có hàng nghìn người trong cả nước đầu tư vào sàn thương mại điện tử đa cấp của của Công ty An Phát Thịnh với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khách hàng chuyển tiền đầu tư thì Công ty An Phát Thịnh đã không tặng quà, không trả sản phẩm và tri ân như cam kết.

Nghi ngờ công ty này làm ăn gian dối, bán hàng kém chất lượng, bán sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành… nhiều người đề nghị hoàn trả lại tiền nhưng giám đốc công ty luôn tìm cách né tránh, không trả. Hiện nhiều người đã làm đơn gửi Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (C02 – Bộ Công an) tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty An Phát Thịnh. 

Doanhnhan.vn có liên hệ với Công ty An Thịnh Phát về những phản ánh trên của khách hàng nhưng không nhận được hồi đáp. 

Theo tìm hiểu, hiện nay công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến hành thu thập chứng cứ, lấy lời khai của những người làm đơn tố cáo Công ty An Phát Thịnh để xác minh làm rõ vụ việc. 

Tin Cùng Chuyên Mục