Chủ tịch hội đồng quản trị công ty này đang trốn tránh các nhà đầu tư, còn Tổng giám đốc đã “thoát xác” sang thành lập công ty mới với mô hình tương tự.
Mất tiền tỷ vì đa cấp tiêu dùng hoàn tiền BBI
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chị Nguyễn Thị T. (Long Biên, Hà Nội) cho hay, chị đã gửi đơn thư tố cáo Công ty cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam tới Bộ trưởng Bộ Công an về hành vi lừa đảo của công ty này.
Theo lời chị T, không riêng chị mà hàng loạt nhà đầu tư trong cộng đồng BBI ở nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng đang tập hợp đơn kiện gửi đồng loạt lên Bộ Công an để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các lãnh đạo công ty này.
Được người quen giới thiệu, đầu năm nay, chị T. mở một tài khoản mua và một tài khoản bán trên BBI Mall, sau đó đóng 100 triệu đồng vào tài khoản công ty để mua hàng (đơn hàng ảo) và nhận 1,1 tỷ điểm thưởng (nhân 10 lần) của công ty. Số điểm thưởng này được công ty cho đổi và rút ra bằng tiền mặt với tỷ lệ 0,05%/ngày (tương ứng 500.000 đồng/ngày).
“Theo tính toán của tôi, thì sau 1 năm, sẽ nhân gần gấp đôi khoản tiền đầu tư. Thế nhưng, chỉ mới rút được gần 20 triệu đồng thì công ty tắt app, không cho rút tiền, hơn 80 triệu đồng tiền gốc của tôi vẫn chưa đòi về được. Tôi lên tận trụ sở công ty, nhưng thấy công ty đóng cửa, lãnh đạo công ty trốn biệt, không ai nghe máy”, chị T. bức xúc.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, BBI thành lập năm 2018 do ông Hồ Quốc Anh, sinh năm 1990 làm Chủ tịch hội đồng quản trị (nắm gần 72% vốn). Công ty bắt đầu kêu gọi người dân tham gia vào năm 2019. Để tham gia, người chơi phải chi 3,5 triệu đồng để mở tài khoản, muốn mua hàng lại phải nộp tiền vào tài khoản công ty.
Giao dịch mua hàng sẽ được công ty cho hoàn tiền với số điểm cao gấp 10 lần, song điểm thưởng không được rút ra ngay, mà chỉ được phép rút nhỏ giọt 0,05%/năm (ít nhất 7 tháng mới hoàn vốn), song thực tế, đa phần khách hàng tham gia chưa được 7 tháng thì công ty đã bị đánh sập.
Cụ thể, tháng 4 hàng loạt khách hàng của BBI Mall hoang mang vì không thể truy cập ứng dụng, không thể đổi điểm, rút tiền. Để trấn an nhà đầu tư, BBI ra thông báo đang nâng cấp thay lõi hệ thống và sẽ chính thức mở lại từ ngày 13/4.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty tiếp tục trì hoãn đến ngày 6/7, rồi ngày 1/9. Mới đây nhất, công ty lại tiếp tục “khất”, hứa hẹn sau ngày 10/9 sẽ gửi mail văn bản xác nhận nợ và lộ trình trả nợ với khách hàng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thất hứa của công ty, hy vọng đòi tiền của nhà đầu tư không còn.
Ông Trần Văn H. (Vinh, Nghệ An) cho hay: “Đầu năm 2020, nghe lời em gái, vợ tôi đầu tư 300 triệu đồng vào BBI, thấy công ty trả lãi đều đặn, nên tháng 3, khi công ty có khuyến mãi thêm 35%, tôi lại vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư, nhưng vừa mới chuyển khoản được ít lâu thì công ty ngừng trả tiền.
Vợ chồng tôi có liên hệ với BBI tỉnh, nhưng không được giải quyết. Chúng tôi đã hết hy vọng lấy được tiền gốc và đang thu thập bằng chứng để tố cáo Công ty, đưa những kẻ lừa đảo vào tù”.
Được biết, văn phòng BBI tại các tỉnh đã đồng loạt đóng cửa, dỡ bỏ bảng hiệu, các group zalo giải tán, không một lời giải thích với nhà đầu tư. Số ít giám đốc BBI một số chi nhánh tỉnh đồng thuận với nhà đầu tư viết đơn tố cáo đòi tiền, song đa phần phủi tay, rũ trách nhiệm, không hợp tác với nhà đầu tư sao kê số tiền mà chi nhánh chuyển cho BBI để làm bằng chứng tố cáo Công ty, thách thức nhà đầu tư gửi đơn kiện…
Theo tìm hiểu, cộng động tham gia BBI đã lên tới 1 triệu thành viên, nếu chỉ tính tiền mua tài khoản (3,5 triệu đồng/tài khoản), chưa kể số tiền người dân bỏ vào đầu tư thì tổng số tiền mà BBI chiếm đoạt của nhà đầu tư đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Ve sầu thoát xác, đa cấp hoàn tiền nở rộ, tiếp tục lừa nhà đầu tư
Theo các nhà đầu tư, tháng 4, BBI tắt app, ngừng trả tiền cho nhà đầu tư và ngay sau đó, lãnh đạo công ty này lại tuyên bố cho ra đời một số dự án mới: Befun, Woopay.
Đây là ứng dụng mua sắm, đầu tư để tích điểm thưởng, nhận hoa hồng phát triển hệ thống nhiều cấp tương tự BBI Mall, song điểm khác biệt là nhà đầu tư phải sử dụng đồng tiền ảo nội bộ BBO Token để thanh toán.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, đến nay, Befun đã mất thanh khoản. Hiện chỉ còn duy nhất đối tác OCB Life (tiền ảo OCB) từng được BBI tuyên bố hợp tác là vẫn còn hoạt động, song chưa biết kéo dài đến khi nào.
Nhà đầu tư nhận định, BBI Mall, Befun, Woopay, OCB Life… thực chất đều là những vòi bạch tuộc liên quan đến BBI. Khi vòi bạch tuộc BBI Mall biến mất, lãnh đạo công ty lại cho mọc các vòi bạch tuộc khác để hút tiền nhà đầu tư. Hiện nay, ông Hồ Quốc Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty này đã biến mất cùng khoản tiền khổng lồ của các nhà đầu tư.
Trong một video trả lời chất vấn nhà đầu tư, ông Hồ Quốc Anh, đề nghị nhà đầu tư cho mình thêm thời gian để thực hiện các dự án khác nhằm có tiền trả nợ nhà đầu tư.
Trong khi đó, Tổng giám đốc BBI là ông Thân Ninh Hoài từ đầu năm nay đã tuyên bố rời bỏ BBI và cho ra mắt Công ty BBA Global với sàn giao dịch bbamarket.vn, mô hình gần như giống hệt BBI. BBA được quảng cáo bắt tay với đối tác Cashbackfro để thành lập trang thương mại điện tử hoàn tiền trên phạm vi toàn cầu.
Theo quảng cáo của ông Hoài, Cashbackfro là công ty đến từ nước Anh. Tất cả các gói đầu tư trong Cashbackfro sẽ tự động nhân lên 10 lần và được tự động thêm khi người tham gia có các gói đầu tư khác nhau, được rút tiền 0,03%/ngày, được hưởng hoa hồng hệ thống 9 cấp với mức hoa hồng lên tới 5%…
Tóm lại, Dự án Cashbackfro gần như là phiên bản copy của BBI, sử dụng đồng tiền ảo CBP để mua sắm, đầu tư. Đương nhiên, để nhận được hoa hồng phát triển hệ thống, người chơi phải nộp 200 USD để nâng cấp lên thành viên hạng vàng (gold).
Dù được quảng cáo là trang thương mại điện tử toàn cầu, song truy cập Cashbackfro.net cho thấy, trang web này dường như chỉ phục vụ nhà đầu tư Việt Nam (giao diện chủ yếu bằng tiếng Việt). Hàng hóa rao bán cũng rất èo uột, nghèo nàn.
Nghi vấn BBA và dự án Cashbackfro là “ve sầu thoát xác” của BBI, hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra, nhất là khi Tổng giám đốc BBA chính là cựu Tổng giám đốc của BBI.
Chưa kể, ông Thân Ninh Hoài còn là từng là “giảng viên” của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 (công ty lừa đảo từng được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố tháng 8/2012 và đưa ra xét xử năm 2017).
Sự sụp đổ của Myaladdinz, BBI… cho thấy, trào lưu hoàn tiền đa cấp đang nở rộ ở Việt Nam chứa đựng nhiều yếu tố lừa đảo. Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho rằng, các mô hình này đều có bóng dáng đa cấp biến tướng, lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. Hơn nữa, việc sử dụng tiền ảo trong các mô hình hoàn tiền này còn vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cảnh báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương)
Cashback thời gian gần đây nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện hiện đại với một số đặc điểm.
Thứ nhất, các website, ứng dụng thương mại điện tử này đưa giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn từ 80% tới 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tế, việc “hoàn tiền” với giá trị % cao như vậy chỉ ở phần tích điểm, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng 0,05 - 0,1%/ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.
Thứ hai, các mô hình này đưa ra nhiều tầng, cấp, nhánh để chia hoa hồng.
Thứ ba, việc tích trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…). Thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận, người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Link bài gốc