Ngày pháp luật

Cơn lốc điện mặt trời: Nghịch lý thừa điện quá nhiều, phải ngắt thường xuyên

Theo VOV

Tương lai hứa hẹn của năng lượng tái tạo ở Việt Nam bị đe dọa khi hàng tỷ kWh điện mặt trời, điện gió bị cắt giảm gây lãng phí nguồn lực, khiến nhà đầu tư lao đao.

Nguy cơ thiếu điện chực chờ nhưng khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021, trong đó hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV.

Không những thế, loạt dự án điện gió đang thi công và sẽ nối lưới vào năm nay khiến điện tái tạo tiếp tục đối diện nguy cơ cắt giảm.

Vì sao năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm… lại bị buộc tiết giảm công suất trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ thiếu điện từ 2021?

Những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo, nay nhà máy không thể chạy hết công suất, không bán được điện sẽ giải bài toán tài chính thế nào? Bao giờ thì cơn ác mộng giảm phát công suất mới chấm dứt? Ai phải chịu trách nhiệm cho việc để điện mặt trời "vỡ" quy hoạch?

Điện mặt trời nguy cơ bị cắt giảm sau khi phát triển ồ ạt.
Điện mặt trời nguy cơ bị cắt giảm sau khi phát triển ồ ạt.

Ác mộng ép giảm công suất

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp điện mặt trời cho biết đang "ngồi trên đống lửa" khi mỗi ngày nhà máy đều bị cắt giảm công suất phát lên lưới, tùy theo các khung giờ, thậm chí có ngày tỷ lệ cắt giảm lên đến cả 100%.

Theo Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW (tại Ninh Thuận) thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế.

Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.

Đại diện một nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận cho hay doanh nghiệp cũng đang phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng.

Không chỉ các dự án điện mặt trời công suất lớn, mà các dự án điện mặt trời mái nhà, các dự án thuê mái nhà bán điện lên lưới cũng buộc phải cắt giảm công suất. Theo công bố cắt giảm công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà từ 15/3 - 21/3 do Tổng công ty Điện lực Miền Nam ban hành, tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An…, sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện mái nhà khá lớn.

Cụ thể, trong giờ cao điểm từ 10h30 - 13h các ngày từ 15 - 21/3, tại Ninh Thuận, mỗi ngày bị cắt khoảng 40.103 - 53.471 MW; tại Bình Dương bị cắt từ 57.964 - 77.285 MW; tại Bình Thuận bị cắt từ 35.771 - 47.695 MW; tại Long An từ 49.276 - 65.701 MW; tại An Giang bị cắt từ 16.686 - 22.248 MW…

Trong bối cảnh số lượng dự án điện mặt trời mái nhà gia tăng, nhu cầu tiêu thụ điện giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19... đa số doanh nghiệp điện mặt trời lo các nhà máy sẽ tiếp tục bị cắt giảm nhiều hơn nữa, khi đó áp lực tài chính sẽ đè nặng doanh nghiệp.

Năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng nguồn điện cả nước năm 2020.  
Năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng nguồn điện cả nước năm 2020.  

Vì sao điện lại bị dư thừa?

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của các nhà máy điện mặt trời và nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu khiến "thừa điện".

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đến hết năm 2020, công suất điện mặt trời (không tính điện mặt trời mái nhà) vào vận hành là 8.852 MW, điện gió vào vận hành là 538 MW.

Tổng công suất nguồn điện mặt trời và điện gió đã vận hành đến thời điểm hiện nay là 17.388 MW, trong tổng cơ cấu nguồn năm 2020 là 69.159MW.

Tuy vậy, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện.

Có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Nhưng vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW.

Điều này dẫn đến những ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí trên cơ sở đảm bảo đủ số tổ máy nối lưới tối thiểu theo điều kiện kỹ thuật của hệ thống.

Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến. EVN đang giải quyết bài toán thừa điện, nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo buộc phải cắt giảm công suất trong những thời điểm phụ tải thấp, mức tiêu thụ điện của hệ thống giảm.

"Đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện", đại diện EVN cho hay.

Chính sách sai ngay từ đầu

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để "vỡ" quy hoạch điện mặt trời thời gian qua trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương, nhất là trong công tác quy hoạch.

Cụ thể, quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu công suất nguồn điện mặt trời năm 2020 là 850 MW và 1.200 MW tới 2030. Tuy vậy, thực tế đến nay công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã gấp nhiều lần quy hoạch.

Không những thế, bộ này còn bổ sung nhiều nhà máy điện mặt trời công suất lớn khiến quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Bộ Công Thương cũng chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã thừa nhận "khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thời gian qua đã thường xuyên báo cáo Chính phủ về nguy cơ thiếu điện trầm trọng do các nguồn điện than chậm tiến độ, cần thiết phải phát triển các nguồn điện khác để bù đắp sự chậm tiến của nguồn điện than, giảm nguy cơ thiếu điện phục vụ đời sống, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Một trong các giải pháp quan trọng để đảm bảo cung ứng điện cho đất nước là đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời.

"Việc đưa vào vận hành nguồn công suất các dự án điện mặt trời" trong giai đoạn qua đã bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện, điện khí chậm tiến độ, góp phần giảm lượng điện phát dầu (nguồn điện có giá thành cao trong hệ thống) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục