Ngày pháp luật

Bộ Công Thương sẽ "siết" giá điện mặt trời áp mái chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh

Dự thảo mới liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái đang được xây dựng với mức giá dự kiến giảm mạnh đến 30%, ban hành trong tháng 3 này.

Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã xây dựng xong dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái để thay thế nội dung trong Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 và đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng.

Theo đó, dù vẫn duy trì giá cố định nhưng mức giá dự kiến sẽ giảm từ 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13) xuống còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước. 

Trước đó, theo Quyết định 13, giá bán điện mặt trời mái nhà cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.

Cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới có thể giảm mạnh. 
Cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới có thể giảm mạnh. 

Việc điều chỉnh cơ chế giá mới cho điện mặt trời áp mái nhằm phát triển đúng hướng, khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng thay vì tình trạng nhà nhà "ào ào" lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.

Cụ thể, mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt sử dụng hơn là các trang trại, khu nhà công nghiệp.

Ngoài ra, để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và hạn chế những bất cập nêu trên, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời cho giai đoạn tới. Theo đó Bộ dự kiến tiếp tục áp dụng cơ chế giá cố định (giá FIT) cho điện mặt trời mái nhà, giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống điện; quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện và quy định lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa. Dự kiến dự thảo này sẽ được trình Chính phủ và sớm ban hành trong tháng 3.

Mới đây Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu ngành điện và các địa phương tổng hợp các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất 100 kWp trở lên và nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời.

"Trên cở sở danh sách các dự án điện mặt trời mái nhà, EVN  nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành cũng như thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư", Bộ Công Thương cho biết.

Trước đó, việc phát triển ồ ạt dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời trong năm 2020 đã dẫn đến tình trạng dư thừa điện. Theo báo cáo từ EVN, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam có hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp, sản lượng tích lũy ước đạt hơn 1,3 triệu MWh.

Tính chung, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã lên tới 16.500 MW, chiếm 25% tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia. Riêng sản lượng điện phát từ mặt trời lên lưới trong năm 2020 đạt 10,6 tỉ kWh, chiếm 4,3% tổng sản lượng huy động các nguồn điện.

Tin Cùng Chuyên Mục