Sau thời gian "bùng nổ" tới hơn 5.300 công trình điện mặt trời áp mái, những tháng gần đây, hàng loạt công trình tại tỉnh Đắk Lắk đã buộc phải tiết giảm phát điện vào buổi trưa hàng ngày.
Việc ngừng phát điện trong thời điểm nắng nhất sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, nhưng theo lý giải của ngành điện, điều này nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống, tránh quá tải cục bộ.
Giữa cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, hệ thống điện mặt trời áp mái của doanh nghiệp Quang Luận ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk đem lại hiệu quả kép, khi vừa góp phần chống nóng cho kho xưởng, vừa cấp điện phục vụ việc sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, phân bón, đồng thời có nguồn thu ổn định từ bán điện cho nhà nước.
Chủ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Trang cho biết, đây là khoản đầu tư khá hiệu quả, cho dù gần đây phải tiết giảm phát điện hàng ngày. Cách đây 5 tháng doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 500 KWp, tiền điện thu về hàng tháng đều đặn, khoảng 100-120 triệu đồng. Nếu không có vấn đề gì xảy ra thì đây là một kênh đầu tư khá là hiệu quả.
"Từ đầu năm đến nay bên điện lực có quy định tiết giảm phát điện, có những ngày tiết giảm tới 15% công suất phát doanh nghiệp cũng phối hợp tốt. Ví dụ như 9h sáng cắt điện sẽ có công nhân điện tới cúp, đến 14h chiều họ sẽ có mặt đóng điện, điều này giúp doanh nghiệp bớt chi phí", bà Trang nói.
Cũng phải ngưng phát điện mặt trời vào buổi trưa hàng ngày từ hơn 2 tháng qua, ông Vũ Khắc Lợi, đại diện một công ty chế biến nông sản xuất khẩu đóng tại Cụm công nghiệp Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để khai thác hiệu quả công trình điện mặt trời áp mái công suất gần 1 MWp, doanh nghiệp thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng, đồng thời tiếp tục mở rộng sản xuất.
"Có những khoảng thời gian tiết giảm 7% - 11% hoặc 15% doanh nghiệp vẫn chấp hành nghiêm túc. Trong thời gian này, doanh nghiệp cũng tắt các thiết bị, các máy móc không cần thiết, giảm tối đa công suất của hệ thống kho lạnh, đồng thời xây dựng thêm phân xưởng để tăng công suất chế biến", ông Lợi cho hay.
Theo ông Hà Văn Chương, Phó giám đốc Công ty điện lực Đăk Lăk, toàn tỉnh hiện có 5.339 công trình điện mặt trời áp mái, với tổng công suất gần 650.000 KWp. Thời điểm này đã có hơn 400 công trình phải tiết giảm phát điện, do phụ tải sử dụng thấp, nguồn phát dư thừa.
Đây là những công trình có công suất từ 100KWp trở lên, có trạm biến áp riêng để đưa điện lên lưới. Chỉ những công trình điện mặt trời áp mái công suất nhỏ, đấu thẳng vào lưới điện sinh hoạt không bị tiết giảm.
Giải thích việc buộc phải giảm phát điện của hàng loạt công trình điện mặt trời, ông Chương cho biết thường thời gian cắt giảm vào buổi trưa, thời gian nắng nhất trong ngày.
"Nguồn năng lượng cung cấp từ mặt trời phải chiếm tỷ trọng khoảng 20 – 25% thì hệ thống mới vận hành ổn định. Khi nó vượt quá mức đó thì việc ổn định hệ thống rất khó khăn, bởi vì năng lượng mặt trời lên xuống liên tục tùy theo thời tiết, theo ngày đêm và thậm chí là đám mây ngang qua. Do đó, việc cắt giảm điện mặt trời trong những thời gian nhất định là yếu tố hết sức cần thiết để đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện" ông Chương phân tích.
Cũng theo ông Hà Văn Chương, với những công trình điện mặt trời áp mái xây dựng trên các nhà xưởng, trang trại đang hoạt động, dù bị tiết giảm phát điện thì hiệu quả đem lại vẫn rất tốt do họ chủ động sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo sẵn có.
Việc tiết giảm không ảnh hưởng nhiều do chỉ "cắt" phần sản lượng điện đột biến buổi trưa. Chỉ những công trình điện áp mái, phía dưới không thực hiện sản xuất kinh doanh tiêu hao điện sẽ bị giảm một phần thu nhập do không bán được điện. Vì vậy chủ đầu tư nên tính toán nhu cầu sử dụng điện tối ưu cho công trình điện mặt trời áp mái của mình.
Link bài gốc