Gia tăng chóng mặt điện mặt trời áp mái
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính tới ngày 31/7, cả nước có 42.694 hệ thống điện mặt trời áp mái được phát triển, với công suất 917 MWp. Cũng trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện mà các hệ thống này đã phát lên lưới là hơn 300 triệu kWh.
So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31/12/2019, dễ nhận thấy trong 7 tháng qua. đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực điện mặt trời áp mái. Bên cạnh sự hưởng ứng của nhiều hộ gia đình khi lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái trên nóc nhà để tự dùng, lĩnh vực điện mặt trời áp mái cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư với nguồn gốc khá đa dạng.
“Giá mua điện áp mái khá hấp dẫn, lên tới 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm, mà không phải bổ sung dự án vào quy hoạch điện. Giá này cao hơn so với đầu tư các dự án điện mặt trời nối lưới trên 1 MW đang áp dụng là 7,09 Uscetn/kWh, mà phải xin bổ sung quy hoạch mất nhiều công sức hoặc phải đấu thầu kể từ sang năm. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng vào cuộc, tìm kiếm các cơ hội đầu tư”, ông Nguyễn Bình, một chuyên gia tư vấn về năng lượng tái tạo nhận xét.
Thực tế đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái tại một số khu vực miền Trung và miền Nam cũng cho thấy sự khác biệt của việc phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Trong khi mục tiêu phát triển điện mặt trời áp mái ở thế giới là giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ và khu vực hẹp xung quanh, mà không phải đầu tư thêm nhiều vào đường truyền tải điện hiện có, thì điện mặt trời áp mái tại Việt Nam đã xuất hiện các dấu hiệu bị lợi dụng để hưởng lợi.
Do có sự đổ bộ lớn vào lĩnh vực này, nên EVN phải lên tiếng cảnh báo về việc khu vực do Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý đã có dấu hiệu vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện. Cụ thể, tại 2 khu vực này, hiện có 4.090 dự án đã và đang thoả thuận đấu nối với công suất 2.218 MWp, dù chưa vận hành thương mại. Tuy nhiên, cũng có 759 dự án với công suất 643 MWp bị liệt kê vào nhóm vượt khả năng giải toả công suất lưới điện.
Các địa phương được điểm tên có nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện trung áp là Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận. Ba khu vực còn lại không bị tình trạng quá tải lưới điện là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Hà Nội và TP.HCM.
Lúng túng quy định
“Sang nhượng farm 5 MW tại Thuận Nam, Ninh Thuận với giá công khai 19 tỷ đồng/MW, sinh lời 3,84 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn 5 năm, tính cả gốc lẫn lãi, còn 15 năm tiếp theo bên mua lại sinh lời siêu lớn”.
Đó là lời chào mời công khai kèm tên, địa chỉ, số điện thoại, email liên lạc và số tài khoản rõ ràng để nhận tiền cọc cùng các hình ảnh minh họa kèm theo cho dự án điện mặt trời áp mái mà bên dưới là khu ươm trồng cây con được công khai lưu truyền trong cộng đồng làm năng lượng tái tạo cách đây đôi tháng. Điều này cho thấy sức hút của lĩnh vực năng lượng này khi có mức giá tốt.
Cũng đã có sự nở rộ đầu tư điện mặt trời áp mái tại các trang trại nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông... theo hướng bên dưới canh tác nông nghiệp và bên trên có các tấm pin mặt trời nhưng không đặt trên mái nhà. Điều này khiến nhà đầu tư chưa thể ký được hợp đồng bán điện cho EVN, trong khi phải vay ngân hàng và hệ thống đã đầu tư xong.
“Còn có rất nhiều lời chào mời làm hệ thống điện mặt trời áp mái trên đầm tôm hoặc trên ao nuôi cá để được hưởng giá điện mặt trời áp mái nhà và nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác cũng rất quan tâm”, ông Bình cho hay.
Mặc dù EVN đã đề nghị Bộ Công thương cho phép các hệ thống điện mặt trời công suất đến 1 MW đấu nối vào cấp điện áp dưới 35 kV và có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái hoặc không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất... nên được ghi nhận là điện mặt trời mái nhà, nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, nếu hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà của công trình xây dựng như nhà xưởng, trang trại trồng trọt, nhà lưới, nhà ở... đáp ứng các điều kiện của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg thì được xác định là hệ thống điện mặt trời mái nhà và áp dụng mức giá 8,38 UScent/kWh. Trường hợp chủ đầu tư còn lắp hệ thống các tấm pin mặt trời trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ hoặc trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác, thì “không phải là điện mặt trời áp mái và sẽ được xác định là điện mặt trời mặt đất nối lưới hoặc nổi”.
“Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã quy định rất rõ về điện mặt trời áp mái nhà, nhưng nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu không kỹ, nên cứ dựng các tấm pin mặt trời không áp trên mái nhà, rồi muốn được bán điện theo giá của điện mặt trời áp mái nhà”, một chuyên gia của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận xét.
Vị chuyên gia cho biết thêm, sự đổ bộ làm điện mặt trời kiểu này sẽ gây ra quá tải do không phát được điện lên lưới hoặc phải đầu tư lớn cho lưới truyền tải để đưa điện đi tiêu thụ các nơi xa. Theo cách nào thì cũng làm lãng phí nguồn lực chung, mà vẫn không giải quyết được việc phát triển nguồn điện bài bản, hợp lý.
Như vậy, một lần nữa, cơn sốt điện mặt trời áp mái khi không đọc kỹ quy định pháp luật hiện hành có thể khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay khi không đáp ứng được yêu cầu phải vận hành phát điện và được ghi nhận đo đếm tới hết ngày 31/12/2020.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện.
Điều 3, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg
Link bài gốc