Theo nghị quyết vừa được MBS công bố, phương án phát hành quyền mua cổ phiếu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 thông qua. Cụ thể, MBS sẽ chào bán 68,7 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 12 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025.
Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá cổ phiếu MBS đang giao dịch quanh ngưỡng 27.500 đồng/cổ phiếu (phiên sáng 13/5), cổ đông của MBS sẽ có cơ hội mua cổ phiếu với giá thấp hơn khoảng 63%.
Nếu đợt chào bán thành công, MBS dự kiến thu về 687,3 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được phân bổ 150 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành, còn lại 537,3 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng cường nguồn vốn cho vay ký quỹ (margin). Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của MBS sẽ tăng lên 6.415,2 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành là hơn 641,5 triệu đơn vị.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2025, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 669 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, mảng môi giới giảm 28% xuống gần 133 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm khoảng 10%, còn 126 tỷ đồng.
Ngược lại, các mảng kinh doanh khác có sự tăng trưởng. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) tăng 60%, đạt gần 69 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32%, đạt 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, chủ yếu là cho vay margin, tăng 7% lên 277 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của MBS giảm gần 60% xuống còn 108 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm mạnh lỗ từ tài sản tài chính FVTPL và chi phí môi giới. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm 2025 của MBS đạt gần 339 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 270 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 47% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của MBS đạt 22.409 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 11.442 tỷ đồng, tăng 11%. Danh mục tài sản FVTPL cũng mở rộng 30% lên 2.565 tỷ đồng, với sự gia tăng đáng kể tỷ trọng nắm giữ giấy tờ có giá và đầu tư vào cổ phiếu. Ngược lại, tài sản AFS giảm 43% xuống còn 1.527 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của MBS ghi nhận ở mức 15.230 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn là 13.112 tỷ đồng và nợ trái phiếu dài hạn là 1.061 tỷ đồng.