Sinh trưởng trong cái nôi làng nghề truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), nghệ sĩ gốm Trường Sơn gắn bó với gốm từ thuở thơ bé. “Từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã cho lũ trẻ chúng tôi cùng san sẻ công việc. Có rất nhiều công đoạn nhỏ trong quá trình hoàn thành một sản phẩm gốm mà tôi có thể làm được như chuốt hàng, làm men… Yêu gốm, yêu đất có lẽ là từ khi ấy”, anh Sơn chia sẻ.
Nghệ sĩ gốm Trường Sơn tâm niệm, làm gốm phải là một quá trình thay đổi liên tục, sáng tạo không ngừng nghỉ. Và đến cuối tháng 12/2021, Gốm BỤT được sáng lập với mong muốn viết tiếp câu chuyện của một làng gốm cổ truyền, câu chuyện của những người trẻ với tình yêu gốm và bản sắc quê hương.
“Năm 2016, tôi đến với Bụt Pháp, nhân duyên này nở hoa ở chùa Bảo Quang (Hưng Yên). Tôi được thầy quy y và đặt Pháp danh là Minh Quang. Tôi hiểu rằng, trong sơn hà đại địa, vạn vật đều có linh tính. Bởi vậy, mỗi lần làm gốm, tôi đều nghe giảng Pháp, để bản thân học Phật và để những tác phẩm gốm làm ra mang năng lượng tích cực, an nhiên”, nghệ sĩ gốm Trường Sơn chia sẻ về nguồn cảm hứng cho tên thương hiệu Gốm BỤT.
Những ngày đầu khởi sự, Gốm BỤT tập trung chủ yếu vào dòng sản phẩm bình hoa độc bản. Sau khi những bình gốm độc bản được đông đảo người chơi gốm, yêu hoa đón nhận, nghệ sĩ gốm Trường Sơn lại tiếp tục con đường tìm tòi và khám phá của bản thân và bắt đầu chuyển hướng sang tranh gốm.
Là một người con của Phật, nghệ sĩ gốm Trường Sơn hiểu sâu sắc rằng điều quan trọng nhất là hiểu và thực hành những giáo lý mà Người để lại. Mỗi ngày chúng ta đều cố gắng tinh tấn tu học, áp dụng những lời Phật dạy vào ý nghĩ, hành động… và quan niệm cứ sống như ta đang sống nhưng hướng tới cái thiện và lòng thiền để có thể sống yên vui và tới yên vui, hay trong những tình cảnh bi đát nhất vẫn có được cái tâm hoan hỉ.
Với nghệ sĩ gốm Trường Sơn, sáng tác gốm chính là quá trình tu tập của bản thân. Là lúc anh tập trung tâm trí vào từng vòng xoay của gốm, nỗ lực tìm tòi những điều mới mẻ đưa vào mỗi tác phẩm. Là lúc anh kiên trì với hướng đi của mình, có những chuyến lò không thành công, vỡ nứt tới hai phần ba số tác phẩm, ai cũng tiếc nuối bao công sức bỏ ra thì anh nhẹ nhàng: “Không sao, tất cả chỉ là thử thách. Chuyến sau chắc chắn sẽ thành công”.
Những bức tranh của Gốm BỤT được phác họa bằng tất cả sự tài ba và tấm lòng thành kính hướng tới Phật giáo. Đó có thể là bức họa về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm hay thiền sư Thích Nhất Hạnh… hay gần gũi hơn là hình ảnh bông sen, những thủ ấn trong Đạo Phật… Tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong hành trình của Gốm BỤT.
Phật dạy, thiền tại tâm và do chính tâm chúng ta nắm bắt và giác ngộ. Do vậy, thiền trong tranh chính là sự chuyển tải cái tâm lực của một người hành thiền vào bức họa. Qua đó truyền tải sức mạnh tinh thần Phật giáo đến người thưởng lãm. Tinh thần Phật giáo như ngấm vào trong từng nét vẽ, nước men, kiểu dáng đến mức chỉ cần một mảnh gốm nhỏ cũng chứa đựng cái viên mãn và hoan hỉ của Phật giáo và nghệ thuật.
Giữa hàng ngàn các sản phẩm đổ khuôn và đại trà, không khó để nhận ra tác phẩm gốm vuốt tay hay tranh gốm mang dấu ấn rất riêng của Gốm BỤT. Hy vọng rằng mỗi bức tranh gốm sẽ trở thành một món quà quý mang đầy tâm ý để mọi người có thể gửi tặng tới các doanh nhân hay đối tác làm ăn của mình.
Showroom Gốm BỤT mời bạn ghé qua thưởng lãm: Số 2 ngõ 283 thôn 3 Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.