Biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng với hàng loạt thảm hoạ đối với loài người: sa mạc hoá, lũ lụt, xâm nhập mặn… Thế giới đang đối mặt với bài toán mới: Làm thế nào để tiếp tục tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác nhân gây biến đổi khí hậu.
Đầu tư xanh, hay đầu tư bền vững - được hiểu là những khoản đầu tư bền vững như năng lượng sạch hay nguyên liệu tái chế nhằm ngăn chặn xu hướng biến đổi khí hậu. Xu hướng đầu tư xanh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mà còn các nhà đầu tư, ngân hàng, định chế tài chính tài trợ vốn cho các dự án mang tính bền vững.
“Tiền đang chạy vào các loại tài sản được dán nhãn xanh”, tờ Bloomberg bình luận khi trích dẫn báo cáo của Liên minh Đầu tư Bền vững toàn cầu (Global Sustainable Investment Alliance). Tính đến giữa năm 2019, có ít nhất 30,7 nghìn tỷ USD đang được đầu tư vào các dự án xanh, tăng 34% so với năm 2016.
“Sự thật là có một cơn sóng thần vốn đầu tư đang nhắm vào các khoản đầu tư ESG”, ông Piyush Gupta, giám đốc điều hành tập đoàn của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) cho biết trong hội nghị trực tuyến do CNBC tổ chức ngày 16/6. Ông cho biết ngay cả khi các khoản đầu tư có tính đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không mang lại lợi nhuận, thì vẫn có nhu cầu rót vốn và nhận đầu tư vào các lĩnh vực này.
Khi được hỏi liệu việc đầu tư bền vững chỉ là một xu hướng hay đó là một chiến lược dài hạn, ông Gupta cho rằng dù thế nào thì đầu tư ESG cũng có khả năng thu được lợi nhuận tốt. “Không thể nào quá tệ khi nắm trong tay một rổ tài sản ESG, đơn giản là vì sắp có thêm một nghìn tỷ đô la rót vào. Nếu không có gì thay đổi, giá trị tài sản sẽ tăng lên”, ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng các công ty tập trung vào ESG “có xu hướng trở thành những công ty có hiệu suất cao”, đó cũng là một yếu tố để đầu tư thành công. “Nếu bạn định rót vốn vào một rổ cổ phiếu ESG, bạn thường sẽ chọn các công ty hiệu suất cao và do đó, không thể là một lựa chọn đầu tư tồi”, ông giải thích.
Piyush Gupta cho biết các nhà đầu tư - cả tư nhân và tổ chức – hiện bắt đầu có ý định lựa chọn các khoản đầu tư có trách nhiệm với xã hội hoặc thúc đẩy tính bền vững về môi trường.
“Nhiều khách hàng muốn có sự lựa chọn về loại hình đầu tư mà họ muốn thực hiện”, ông nói. Ông nhận thấy mối quan tâm của nhà đầu tư còn rõ rệt hơn trong khu vực tổ chức, vì các quỹ tài chính thường có chính sách rõ ràng về lĩnh vực mà họ muốn rót vốn vào.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ vẫn cân nhắc lại tính bền vững nếu các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh trước đó không thu được kết quả tốt.
“Trong nhiều trường hợp, mọi người rất vui khi đầu tư ESG mà nhận được lợi nhuận ít nhất là ngang bằng với các khoản đầu tư không ESG - nhưng không rõ bao nhiêu nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn”, ông Gupta nhận xét.