Theo thống kê mới đây của Bộ Xây dựng dựa trên báo cáo công bố thông tin thị trường bất động sản của các địa phương trong quý I/2021, số lượng nhà ở đưa vào thị trường còn "tồn kho", chưa có giao dịch ước tính vào khoảng 3.300 căn.
Trong khi đó số lượng căn hộ "tồn kho" tính đến hết quý I/2020 vào khoảng 13.000 căn. Lũy kế đến cuối năm 2020, số căn hộ còn tồn, chưa có giao dịch trong cả năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm 2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý IV/2020, Bộ Xây dựng đánh giá.
Theo Bộ Xây dựng, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều nằm ở tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tĩnh,... Trong khi đó những khu vực có tỷ lệ nhà ở tung ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức thấp là các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu. Những khu vực này cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Về số lượng giao dịch bất động sản, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra cả nước có 25.386 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch giảm chỉ bằng khoảng 86% so với quý IV/2020.
Trong đó miền Bắc có 11.011 giao dịch thành công, con số này ở miền Trung và miền Nam lần lượt là 8.307 và 6.068. Riêng Hà Nội có 5.571 giao dịch thành công và TP HCM có 3.449 giao dịch thành công. Nhìn chung, các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân, số lượng giao dịch phân khúc nhà ở cao cấp giảm hơn so với quý trước.
Trong khi tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở dần được cải thiện, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ giao dịch bình quân trong quý chỉ đạt khoảng 30%.
"Các dự án có pháp lý đầy đủ, đảm bảo tiến độ thông tin minh bạch của một số chủ đầu tư lớn đã có uy tín thì tỷ lệ giao dịch cao hơn", Bộ Xây dựng cho biết.