Với sự phát triển của công nghệ xu hướng mua hàng online trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng. Đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng trở thành trụ cột của nền kinh tế số. Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, các sàn thương mại điện tử còn đối mặt với không ít khó khăn trong việc xây dựng thị trường lành mạnh. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… diễn ra công khai trên các sàn thương mại điện tử gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp uy tín và sức khỏe người tiêu dùng.
Tìm hiểu cho thấy, trên sàn thương mại điện tử Shopee, các sản phẩm thời trang mang tên hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Christian Dior, Chanel, Louis Vuitton, Prada,... bày bán công khai với giá chỉ từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Có những sản phẩm được quảng cáo đã tiêu thụ từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đơn.
Không chỉ là hàng thời trang, hàng loạt mỹ phẩm giả, nhái, kem trộn trắng da, đến sản phẩm đông y nam dược gia truyền “nhiều thế hệ” được rao bán tràn lan trên Shopee. Nhiều khách hàng đổ vỡ niềm tin sau mỗi lần liều mình trải nghiệm.
Việc kiểm duyệt thông tin sản phẩm, thông điệp quảng cáo của các sản phẩm này trên shopee vẫn đang buông lỏng. Đến mức nhiều người cho rằng, mua các mặt hàng mỹ phẩm qua sàn thương mại điện tử giống như mua xổ số mang tính “hên xui”.
Thậm chí ngay trong dịp Tết Trung thu, nhiều loại "đồ chơi bạo lực" hướng đến các đối tượng là trẻ em như đao, kiếm, các loại vũ khí bằng chất liệu nhựa... được bày bán công khai.
Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm kể từ khi Shoppee hoạt động tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Điều này khiến nhiều người cho rằng, sàn thương mại điện tử số 1 Việt Nam này chỉ quan tâm đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mà buông lỏng vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hoá.
Doanh thu liên tiếp tăng hàng nghìn tỷ đồng
Dữ liệu tài chính thể hiện, thời gian đầu khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, giai đoạn 2016-2018, sàn thương mại điện tử Shopee thường xuyên có tình trạng "trắng" doanh thu để tung hàng loạt mã khuyến mại và chiếm thị phần tại Việt Nam. Đi kèm với việc không có doanh thu, công ty này cũng liên tục báo lỗ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 Shopee đã bắt đầu có doanh thu và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty này cũng tăng theo với con số lỗ nghìn tỷ. Số lỗ lũy kế đến năm 2021 của "ông lớn" thương mại điện tử này đã ở mức gần 7.500 tỷ đồng.
Bất ngờ đến năm 2022, công ty đã ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Shopee có lãi với con số 3.000 tỷ đồng, bù đắp được phần nào số lỗ lũy kế trước đó. Shopee cũng là đơn vị thương mại điện tử duy nhất có lãi trong năm 2022.
Theo Vietdata, năm 2023, doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu với mức tăng trưởng ấn tượng hơn 70% so với năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Shopee vẫn vững vàng ở vị trí dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. TikTok Shop đứng thứ hai với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần, tiếp theo là Lazada với 6.030 tỷ đồng (7,6% thị phần) và Tiki với 998 tỷ đồng (1,3% thị phần).
Báo cáo từ NielsenIQ Việt Nam cho thấy trung bình mỗi người Việt mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng, dành hơn 8 giờ mỗi tuần để mua hàng online. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua những sản phẩm thiết yếu mà còn chi mạnh tay cho các sản phẩm giá trị cao như máy chiếu, robot hút bụi, điện thoại và các sản phẩm làm đẹp.
Riêng trong quý I/2024, doanh số ngành hàng làm đẹp từ 5 sàn thương mại điện tử đạt đến 11.250 tỷ đồng.
Nhiều hình thức bán hàng mới, đặc biệt là livestream, đang mang lại doanh thu khổng lồ cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất vào doanh thu của các sàn thương mại điện tử, tạo nên sự sôi động và phát triển không ngừng của thị trường này.