Theo CNBC đưa tin, Shopee và dịch vụ chuyển phát Shopee Express đã đồng ý điều chỉnh các hoạt động hiện tại sau khi thừa nhận vi phạm quy tắc cạnh tranh tại Indonesia. Đây là thông tin được CNBC trích dẫn từ cơ quan giám sát của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vào hôm 26/6.
Shopee là nhánh thương mại điện tử của gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á Sea Limited.
"Shopee và Shopee Express đã thừa nhận vi phạm Luật số 5 năm 1999 về dịch vụ chuyển phát trên nền tảng Shopee. Hai đơn vị này đã đồng ý với các điểm thay đổi do Hội đồng KPPU đưa ra trong buổi điều trần ngày hôm qua," Ủy ban Giám sát Cạnh tranh KPPU của Indonesia cho biết trong một tuyên bố.
KPPU thông tin Shopee đã đề xuất điều chỉnh các hoạt động hiện tại vào ngày 20/6 và được hội đồng chấp thuận.
Đại diện Shopee Indonesia cho biết: "Ngày 25/6, Shopee Indonesia đã tham dự một cuộc họp với KPPU để thảo luận về các điểm trong bản cam kết liêm chính mà KPPU đã chia sẻ tuần trước.
Trước đó, vào ngày 20/6, Shopee đã đề xuất thay đổi giao diện người dùng để nâng cao dịch vụ và chứng minh sự tuân thủ trong việc cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dùng, theo phản hồi được KPPU phê duyệt".
Radynal Nataprawira - Trưởng phòng đối ngoại của Shopee Indonesia cho biết: "Shopee luôn cam kết tuân thủ tất cả các quy định và luật pháp hiện hành tại Indonesia trong quá trình hoạt động kinh doanh".
Tháng trước, KPPU đã tiết lộ trong cuộc điều tra sơ bộ rằng Shopee bị cáo buộc ưu tiên Shopee Express trong mỗi lần giao hàng cho người tiêu dùng. Theo đó, cơ quan giám sát cũng cáo buộc Shopee khi có hành vi phân biệt đối xử đối với các đơn vị giao hàng khác.
Dịch vụ vận chuyển Shopee Express và một dịch vụ chuyển phát khác là J&T Express đã "tự động được chọn hàng loạt trên bảng điều khiển của người bán" trong khi các công ty khác có hiệu suất dịch vụ tốt lại không được chọn tự động.
KPPU cũng cho biết một nhân viên từng giữ chức vụ quản lý ở cả Shopee Indonesia và Shopee Express thừa nhận tính năng này có khả năng tác động đến hoạt động cạnh tranh và kiểm soát hành vi của cả 2 công ty.
Không chỉ Shopee, Lazada, chi nhánh thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba, cũng có dấu hiệu vi phạm tương tự.“
Nếu chứng minh được hành vi vi phạm, Lazada có thể bị phạt tối đa 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu mà họ đạt được trên thị trường liên quan trong thời gian vi phạm”, KPPU tuyên bố.