Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm.
Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 DNNN đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020.
|
Cần xử lý các vướng mắc về đất đai làm chậm tiến độ cổ phần hóa. (Ảnh minh họa: KT) |
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng cổ phần hóa chưa đạt như tiến độ đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ như: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng lãnh đạo DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất đến từ phương án sử dụng đất với một quá trình từ mấy chục năm nay, đối với doanh nghiệp nhà nước, đất đai tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải xử lý.
Để tháo gỡ vướng mắc về đất đai, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để xử lý như Nghị định 126 năm 2017 sửa đổi nhiều nội dung so với Nghị định 59 năm 2011, trong đó quan trọng nhất là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất. Đây là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nghị định 32 năm 2018 quy định sử dụng vốn càng chặt chẽ hơn nữa, trong đó có quy định rõ hơn đối với đất trả tiền một lần và đất trả tiền hàng năm.
Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, các cơ chế chính sách mới có thể làm chậm tiến trình cổ phần hóa, nhưng đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, đến thời điểm này, tiền nộp về Quỹ bình ổn sắp xếp doanh nghiệp đạt 185.000 tỷ đồng, bằng 74% theo kế hoạch được là 250.000 tỷ đồng./.