Ngày pháp luật

Xu hướng du lịch ngớ ngẩn nhất 2020

Theo VnExpress

Những "chuyến bay không đến đâu" bán hết vé trong vòng vài phút, nhưng chúng lại là xu hướng du lịch bị nhiều người phản đối gay gắt nhất.

Covid-19 khiến các quốc gia đóng cửa biên giới. Để tồn tại, các hãng bay tung ra chiến dịch "các chuyến bay không đến đâu" - những hành trình có điểm khởi hành và kết thúc cùng một vị trí. Hành khách lên máy bay, vòng quanh trên trời, ngắm cảnh từ trên cao trong vài giờ.

Những chuyến bay này được bán với giá từ vài trăm USD một khách, hết vé trong thời gian ngắn. Ví dụ, Qantas Airlines bán hết vé trong 10 phút, hơn 50.000 người đăng ký chỗ trên chuyến bay của ANA và chuyến bay ngắm cảnh của EVA Air tại Đài Loan kín 300 ghế hồi tháng 8.

Hành khách đua nhau chụp ảnh trên một chuyến bay ngắm cảnh quanh Hong Kong
Hành khách đua nhau chụp ảnh trên một chuyến bay ngắm cảnh quanh Hong Kong

Nhưng không phải ai cũng thích thú với điều này. Monica Humphries, nhà báo du lịch Mỹ, đã gọi các chuyến bay đến hư không là xu hướng du lịch ngớ ngẩn nhất năm 2020. Cô bày tỏ quan điểm rằng những chuyến bay này là khởi hành "không có mục đích" và "liều lĩnh".

EVA Air, từng tổ chức thành công 10 chuyến bay ngắm cảnh tại Đài Loan, khẳng định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên máy bay thấp. Một nghiên cứu do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) chỉ ra rằng nguy cơ lây nhiễm nCoV khi đi máy bay còn thấp hơn tỷ lệ hành khách bị sét đánh trên không.

Tuy nhiên, trải nghiệm bay lòng vòng trên trời không tuyệt đối an toàn trong đại dịch. Tiến sĩ Thomas Russo, trưởng khoa truyền nhiễm tại Đại học Buffalo, Mỹ cho biết "An toàn chỉ là một thuật ngữ tương đối. Với những chuyến bay dài hơn, ngay cả khi bạn sử dụng khẩu trang đúng cách, bạn vẫn đang ở vùng rủi ro".

Dù máy bay có thể lọc không khí nhanh và hiệu quả, nhưng hành khách vẫn ở gần những người khác hàng giờ đồng hồ. Rủi ro cũng tồn tại ở các sân bay, khi đám đông tập trung tại quầy soát vé, cổng kiểm tra an ninh và cửa lên máy bay.

Khi tung ra dịch vụ "Ăn tối và bay", trải nghiệm dành cho hành khách thưởng thức một bữa ăn và bay vòng quanh đất nước trong 85 phút, hãng Royal Brunei vẫn để lại một lời nhắn.

"Bạn cần liên tục theo dõi bản thân, hạn chế đi lại nếu cảm thấy không khỏe hoặc có bất kỳ triệu trứng nào như liên tục ho, sốt, khó thở".

Theo Business Insider, lời nhắc nhở nhẹ nhàng này là thông điệp rất rõ ràng rằng virus vẫn có thể lây lan và đại dịch vẫn chưa kết thúc. "Đi mua sắm, đến gặp bác sĩ hay sử dụng phương tiện công cộng cũng nguy hiểm. Nhưng những việc này đều có mục đích, còn những chuyến bay ngắm cảnh thì không", nhà báo Humphries nhận xét.

Tháng 9, chỉ trong 10 phút, hãng Qantas đã bán hết vé chuyến ngắm cảnh kéo dài 7 giờ trên khắp đất nước. Hành khách rất phấn khích khi ngắm toàn cảnh rặng san hô Great Barrier Reef, cảng Sydney và vịnh Bryon.

Humphries cũng chỉ ra những chuyến bay đang có ảnh hưởng xấu đến môi trường: "Mâu thuẫn không thể rõ ràng hơn: khi bạn nhìn qua mặt nước ngắm rạn san hô, máy bay của bạn đang thải CO2 ra môi trường, góp phần hủy hoại chúng".

Theo nhóm Hành động Vận tải Hàng không (ATAG), lượng khí thải do ngành hàng không xả ra toàn cầu năm 2019 là 915 triệu tấn CO2. Ngành này đồng thời chịu trách nhiệm về 5% biến đổi khí hậu, chiếm 2,4% lượng khí thải CO2 của thế giới.

Người phát ngôn của Qantas cho biết chuyến bay ngắm cảnh của họ không phát thải khí (net-zero emissions). Trong khi đó, đại diện của EVA Air nói rằng họ sử dụng loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn. Còn hãng hàng không Singapore Airlines, sau khi lên kế hoạch triển khai các chuyến bay không đến đâu, đã từ bỏ ý định này vì vấp phải chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường.

Một số hãng bay đưa ra lợi ích của chuyến bay không đến đâu như: giúp các phi công giữ bằng lái, tiếp viên được thực hành nghiệp vụ và máy bay vẫn hoạt động. Với hành khách, trải nghiệm này giúp họ đỡ nhớ các chuyến đi, thỏa cơn thèm đồ ăn nhẹ trên máy bay, được ngắm nhìn thế giới qua một góc nhìn mới... Và hoạt động này cũng giúp các hãng bay kiếm được tiền.

Tuy nhiên, Humphries có suy nghĩ khác. Danh sách những thứ cô ghét khi tới sân bay như đám đông chen chúc, lo lắng bị phạt thêm tiền nếu hành lý quá cân, bị an ninh soi chiếu mọi thứ cá nhân... dài hơn rất nhiều lý do cô thích bay.

Vì vậy, khi bị ám ảnh bởi nỗi "cuồng chân" vì lâu không đi chơi xa, Humphries nghĩ đến giải pháp an toàn hơn là du lịch ảo. Cô sẽ không bao giờ lên các chuyến bay không có điểm đến.

Link bài gốc