Ngày pháp luật

"Vua tôm giống" Việt Úc chuẩn bị đưa 134 triệu cổ phiếu lên sàn UpCOM, từng vụt sáng được định giá ngang ngửa tôm Minh Phú

Linh An

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi, sản xuất chế biến tôm, Công ty cổ phần Thuỷ sản Việt Úc hiện nắm 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam. 

Vào ngày 29/9, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu cho Công ty cổ phần Thuỷ sản Việt Úc với mã ck là VUG.

Theo đó, Công ty đăng ký giao dịch hơn 134 triệu cổ phiếu trên UPCOM, tương đương vốn điều lệ 1.344 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty Việt Úc đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng tăng vốn điều lệ và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công.

Nắm 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam

Qua giới thiệu trên trang web công ty, Việt Úc sở hữu 3 trung tâm di truyền và chọn giống tôm Bố mẹ với tổng công suất lên tới 50 tỷ con/năm.

Cùng với đó, Việt Úc có 18 công ty trải dài khắp Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi, sản xuất chế biến tôm. Đáng chú ý, Việt Úc hiện nắm 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam. 

"Vua tôm giống" Việt Úc chuẩn bị đưa 134 triệu cổ phiếu lên sàn UpCOM, từng vụt sáng được định giá ngang ngửa tôm Minh Phú - Ảnh 1

Vào tháng 5/2023, Việt Úc khánh thành nhà máy chế biến thủy sản có quy mô 10 ha tại Bạc Liêu với vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng nhằm hoàn thiện và khép kín quy trình sản xuất từ tôm bố mẹ, tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn cho tôm đến tôm thành phẩm. 

Từng được định giá ngang ngửa thuỷ sản Minh Phú

Trong ngành tôm, dù không thuộc top doanh thu, với kết quả kinh doanh khá khiêm tốn. Năm 2022, Việt Úc ghi nhận 1.605 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với doanh thu của Camimex, Sao Ta, Minh Phú. Về lợi nhuận, Việt Úc ghi nhận kết quả chỉ bằng gần 1/4 với Minh Phú. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp của Việt Úc lại gây ấn tượng.

Năm 2022, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt tới hơn 56%, so với các công ty đầu ngành về doanh thu như Minh Phú, Sao Ta, Camimex chỉ trong khoảng 11 - 17%.

Sở dĩ công ty có biên lợi nhuận gộp cao là tập trung vào sản phẩm ngách là tôm giống. Trong cơ cấu doanh thu hàng năm của Việt Úc, mảng tôm giống thường chiếm 80%, tiếp theo là tôm thương phẩm và một phần nhỏ đến từ thức ăn thuỷ sản và cá tra.

Biên lợi nhuận gộp cao giúp tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Việt Úc cực kỳ ấn tượng. Năm 2022, công ty đạt ROR (return on revenue) 13,8%, so với mức từ 5 - 7% của các đơn vị khác cùng ngành tôm.

Trước những tiềm năng ở phân khúc ngách, Việt Úc từng được định giá khá cao. Vào năm 2018, nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc) đã mua lại 9,8% cổ phần Việt Úc với giá 764.843 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, định giá của công ty khoảng 7.400 tỷ đồng, ngang ngửa với định giá của Minh Phú (7.300 tỷ đồng) tại thời điểm đó.

Điểm sáng xuất khẩu nửa cuối năm

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước

Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022.

Tính chung hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng dương.

Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên. Nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD. 

Tin Cùng Chuyên Mục