Kỳ lân công nghệ đầu tiên của nước ta - công ty cổ phần VNG đang cố gắng mở rộng hoạt động ở phân khúc B2B thông qua con đường tài trợ và M&A nhằm đa dạng hóa doanh thu bên cạnh thị trường game trụ cột.
Đa dạng hóa doanh thu
Theo Jianggan Li, người sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn đầu tư và xây dựng mạo hiểm Momentum Works, khi thị trường game trở nên cạnh tranh và khó đoán với những gã khổng lồ trong nước như Sky Mavis, VNG cần phải nhanh chóng xoay chuyển kế hoạch mở rộng của mình. Theo ông Li, có hai con đường tiềm năng cho VNG: đi sâu vào nền kinh tế thực tại trong nước hoặc mở rộng ra thế giới.
VNG được thành lập vào năm 2004, 5 năm trước Garena (sau này đổi thành Sea Group) và cả hai đều có mô hình kinh doanh giống nhau. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trôi qua, Sea Group đã trở thành một công ty trị giá hàng trăm tỷ USD với danh mục kinh doanh đa dạng trên toàn cầu, trong khi VNG phần lớn vẫn là một công ty game với “lợi nhuận tốt nhưng định giá không tăng nhiều” - ông Li đánh giá.
“Nỗ lực trong lĩnh vực SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), giao dịch thực, chuỗi cung ứng và cho vay thể hiện nỗ lực thúc đẩy mảng kinh tế thực của VNG", ông Li bổ sung.
Các lĩnh vực kinh doanh trọng tâm tại VNG hiện bao gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng mạng xã hội, thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ đám mây. Tập đoàn cũng có mảng xử lý dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, VNG đã đầu tư chiến lược vào 6 start-up. Hồi tháng 2 năm 2022, VNG rót 22,5 triệu USD cho Funding Societies - nền tảng cho vay kỹ thuật số lớn nhất cho các SME ở Đông Nam Á. Trước đó, VNG cũng đã đầu tư số tiền tương tự vào công ty thương mại điện tử B2B trong nước Telio.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, tính đến cuối năm đó, VNG nắm giữ 22,27% cổ phần công ty thương mại điện tử Tiki, 49% cổ phần công ty truyền thông nội địa Thanh Sơn và 20% cổ phần tại công ty khởi nghiệp vận tải đường bộ Ecotruck. VNG hiện đang đặt mục tiêu huy động tới 200 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền IPO.
Bên cạnh đó, VNG cũng tích cực ra mắt các trò chơi như Dead Target, Cube Farm 3D ở các thị trường mới như Bắc Mỹ, Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Về mặt đầu tư, VNG đã tham gia vòng Series B của Haegin, một công ty khởi nghiệp Hàn Quốc trị giá hàng tỷ USD vào tháng 2 năm nay.
Trong một sự kiện được tổ chức vào tháng 11/2020, CEO VNG Lê Hồng Minh tuyên bố công ty đặt mục tiêu tạo ra phần lớn doanh thu từ thị trường toàn cầu trong vòng 3-4 năm tới.
Đặt cược lớn vào cho vay doanh nghiệp
Một số chuyên gia cho rằng các khoản đầu tư vào Zalo, Telio và Funding Society sẽ giúp mang lại cho VNG một chỗ đứng vững chắc trong phân khúc cho vay MSME (doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) vốn đang rất nhiều người chơi.
Theo ông Lê Hồng Minh, mô hình MSME sẽ là thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển fintech - lĩnh vực mà VNG đặt kỳ vọng lớn.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng họ thường khó tiếp cận các khoản vay kinh doanh truyền thống. Vì vậy, chúng tôi quyết định đầu tư vào Funding Societies, công ty tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu ở Đông Nam Á, có sản phẩm và tầm nhìn rất phù hợp với sứ mệnh của VNG”, ông Minh nói.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, quản lý tại công ty fintech AI Paretix, đây là thời điểm thích hợp để VNG thâm nhập thị trường cho vay MSME. Ông Nam cũng chỉ ra VNG cần chinh phục 3 lĩnh vực để làm chủ phân khúc MSME gồm: cộng đồng doanh nghiệp, dữ liệu và công cụ hỗ trợ (mạng xã hội, cổng thanh toán).
Trước đây, VNG không mạnh trong mảng phân khúc cộng đồng DNVVN, đó là lý do tại sao họ đầu tư vào Telio, công ty có mạng lưới đại lý 35.000 cửa hàng tại 26 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, nền tảng xã hội Zalo với hơn 64 triệu người dùng hàng tháng được coi là mỏ vàng của VNG.
“VNG đã có những bước đi rất bài bản. Vấn đề ở đây là làm thế nào để kết hợp các yếu tố đó và tối ưu hóa chi phí vận hành cũng như kiểm soát rủi ro”, ông Nam nhấn mạnh.
Phát hiện cơ hội trong thách thức
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có trên 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với năm 2018. Trong đó, DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với hơn 97 %, đóng góp đáng kể trên 40% GDP hàng năm. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số họ được tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tài chính chính thức.
“Đây thực sự là một không gian rộng lớn cho những người chơi đang cung cấp dịch vụ tài chính cho DNVVN. Có quá nhiều người chơi trên thị trường cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, các DNVVN là đối tượng dễ bị tổn thương nhất sau đại dịch có nhu cầu vốn cao”, ông Nguyễn Nam cho biết.
Cơ hội lớn không có nghĩa là ngành MSME không tồn tại những rủi ro tiềm ẩn. Nhà sáng lập công ty fintech News Network, Christian Konig nhấn mạnh niềm tin là một vấn đề lớn và cho vay MSME ở Việt Nam cần áp dụng một phương thức khác biệt so với phương Tây:
“Hiện tại chúng tôi nhận thấy nhiều nhà cho vay (trong nước) đã sao chép phương pháp vận hành từ những công ty thành công ở quốc tế, điều này sẽ không áp dụng được ở Việt Nam. Rồi chúng ta sẽ thấy nhiều đợt hợp nhất khổng lồ, nhiều trò gian lận và những khoản lỗ lớn trong tương lai. Ngoài ra, mức lãi suất ở Việt Nam cũng rất khác biệt khi bạn có thể được nhận tới 5% trên các tài khoản tiết kiệm bằng VND, trong khi ở nước nhiều khác, bạn chỉ nhận được 0% hoặc thậm chí lãi suất âm”.