Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam (TPCP) giảm trong khi lãi suất huy động đi ngang kể từ đầu năm 2023. Tính tới 21/2, trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP Việt Nam kỳ hạn 5 năm và 10 năm giảm về mức 3,8% và 4,3%, tương ứng giảm lần lượt là 89 điểm cơ bản và 53 điểm cơ bản so với đầu năm 2023. Trên thị trường sơ cấp, lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm cũng giảm lần lượt 45 và 40 điểm cơ bản.
Trong khi đó, lãi suất huy động có xu hướng đi ngang kể từ đầu năm 2023. Tính tới ngày 21/2, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng TMCP tư nhân và TMCP nhà nước ở mức 8,2% và 7,4%. Theo quan sát của VNDirect, xu hướng đảo chiều của lợi suất TPCP thường là chỉ báo sớm cho xu hướng đảo chiều của lãi suất huy động.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2023 và sau đó giảm dần kể từ quý 2/2023 dựa trên dự báo FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý 2 tới đây, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023.
Bên cạnh đó, NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối và nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm cũng là yếu tố khiến lãi suất huy động hạ nhiệt trong thời gian tới.
Tuy vậy, VNDirect cho rằng mức giảm sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Theo đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023
Tính từ đầu năm thì lãi suất huy động đã bắt đầu đảo chiều giảm chủ yếu ở kênh online. Ở kênh tiền gửi tại quầy thì tiêu biểu có TCB giảm 0,8%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến 3 năm và STB giảm từ 0,3-0,5%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Hiện chỉ có 1 số ít ngân hàng nhỏ trên thị trường như Việt Nam Thương Tín, Bắc Á, PVCombank, Việt Á, Kiên Long còn niêm yết lãi suất tiền gửi từ 9,5%/năm trên kênh online.
VNDirect cho rằng xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do (1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý 4, (2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, (3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, (4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Dù lãi suất đã có dấu hiệu đảo chiều, nhưng đội ngũ phân tích cho rằng so với lãi suất huy động hiện tại, TTCK vẫn chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn . Lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay tuy nhiên thì khó có thể giảm mạnh khi NHNN khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.
Nếu so với tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index hiện là 8,4% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%) thì lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng nhỏ ở khoảng 9,5% là tương đối hấp dẫn cùng với rủi ro rất thấp.
Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưa tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền.