Phiên giao dịch ngày 15/2 được đánh giá là phiên hút tiền mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây của Ngân hàng Nhà nước, đây cũng là phiên đầu tiên trong năm 2023, NHNN giao dịch ở kỳ hạn dài lên tới 91 ngày.
Cụ thể, 9 thành viên tham gia thị trường mở ngày 15/2 trúng thầu gần 25.000 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 5%/năm. Trong khi đó, 3 trong 9 thành viên trúng thầu 5.000 tỉ đồng kỳ hạn 91 ngày, lãi suất lên 5,75%/năm.
Như vậy chỉ trong ngày 15/2, lượng tiền trên thị trường đã được hút về gần 30.000 tỉ đồng, tương ứng 1,26 tỉ USD. Trước đó trong nửa đầu tháng 2, nhà điều hành thông qua thị trường mở đã hút về 152.000 tỉ dồng, bơm ra 49.000 tỉ đồng.
Cùng với việc hút ròng tiền của NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh thêm từ 0,1 - 0,5%/năm so với ngày trước đó. Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 4,1%/năm, 1 tuần còn 4,6%/năm, 2 tuần còn 5,5%/năm, 1 tháng còn 6,6%/năm, 3 tháng còn 7,7%/năm, 6 tháng còn 8,2%/năm, 9 tháng còn 8,5%/năm. Mức lãi suất này đã giảm từ 0,2 - 2%/năm trong một tuần trở lại đây.
Bên cạnh đó theo số liệu công bố gần đây của NHNN cho thấy, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh trong những phiên gần đây, xuống còn khoảng 170.000 – 180.000 tỷ/phiên, từ mức 230.000 – 250.000 tỷ/phiên hồi đầu tháng. Không chỉ quy mô vay mượn giữa các ngân hàng với nhau thu hẹp, nhu cầu vay cầm cố giấy tờ có giá tại NHNN cũng giảm dần từ đầu tuần trước và dừng hẳn trong 3 phiên gần đây.
Trong nhiều phiên liên tiếp, nhà điều hành đã rút khỏi hệ thống một lượng lớn thanh khoản thông qua hoạt động bán tín phiếu 7 ngày với quy mô thường xuyên ở mức 10.000 – 20.000 tỷ/phiên. Điểm đáng chú ý là dù quy mô trúng thầu tín phiếu duy trì ở mức cao nhưng lãi suất trúng thầu liên tục giảm, từ mức 5,79% hồi đầu tháng xuống còn 3,79% trong phiên 14/2.
Cùng với kênh tín phiếu, các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá trước đó đáo hạn đã đưa tổng lượng hút ròng của NHNN từ đầu tháng 2 đến nay lên hơn 123.600 tỷ đồng.
Việc lãi suất sụt giảm là một tín hiệu tích cực, cho thấy tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã bớt căng thẳng. Giới phân tích cũng dự báo sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2023.
Theo Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng các yếu tố có thể hỗ trợ thanh khoản của hệ thống gồm: áp lực tỷ giá giảm bớt giúp NHNN tích trữ ngoại tệ đồng thời là cũng một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng; Tín dụng tăng chậm hơn, huy động vốn tích cực hơn; Tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện và định hướng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản từ nhà điều hành; Áp lực trái phiếu đáo hạn cho năm 2023 vẫn còn rất lớn, tuy nhiên sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ các thành viên thị trường so với năm 2022.
Còn Chứng khoán KB cho rằng, năm 2023 NHNN sẽ thực hiện lại nghiệp vụ mua USD trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm một lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng.