Ngày pháp luật

Viettel Global (VGI) 6 tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng

Dự Minh

6 tháng đầu năm, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện lên mức 48%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 6.377 tỷ đồng, tăng 21% so với nửa đầu năm ngoái.

Lỗ 6 tháng đầu năm

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã: VGI) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên 2023 với doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện lên mức 48%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 6.377 tỷ đồng, tăng 21% so với nửa đầu năm ngoái.

6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính giảm 30% so với cùng kỳ xuống mức 1.352 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh đến hơn 66% lên mức 2.167 tỷ đồng. Việc lỗ từ hoạt động tài chính của Viettel Global chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá.

Viettel Global (VGI) 6 tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng - Ảnh 1
Viettel Global (VGI) 6 tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng - Ảnh 2

Trong kỳ, chi phí bán hàng của Viettel Global tăng hơn 41% so với cùng kỳ, lên mức 1.545 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp thậm chí còn tăng đột biến lên 4.035 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi.

Viettel Global (VGI) 6 tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 13.300 tỷ đồng - Ảnh 3

Kết quả, Viettel Global lỗ ròng hơn 625 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm đến 125% so với khoản lãi 2.520 tỷ đồng cùng kỳ. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 1.063 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 2.114 tỷ đồng.

Theo giải trình, khoản lỗ 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với Công ty Viettel Myanmar, trích lập dự phòng nợ phải thu với Viettel Camerun và ảnh hưởng bởi lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty mẹ và các công ty thị trường (Viettel Burundi, Viettel Tanzania).

Thời điểm 30/6, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt là 48.250 tỷ và 28.720 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn cuối quý chỉ còn chưa đến 3.900 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ so với đầu năm. Các khoản nợ giảm mạnh sẽ giúp Viettel Global tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay đồng thời giảm áp lực từ biến động tỷ giá do chủ yếu vay bằng đồng USD.

Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tồn tại nhiều năm

Ngoài việc kinh doanh thua lỗ, Viettel Global còn chưa thể giải quyết được ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đã tồn tại nhiều năm qua liên quan đến (1) việc không hợp nhất số liệu tài chính của Công ty Viettel Cameroun S.A (VCR) trên báo cáo tài chính hợp nhất và trình bày khoản đầu tư vào VCR trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác; và (2) việc trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay, phải thu ngắn hạn khác với VCR (tại ngày 31/12/2022 có tổng số dư các khoản phải thu là 8.437 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng với số tiền 6.772 tỷ đồng.

Với việc xuất hiện ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính hợp nhất 3 năm niên tiếp, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa VGI vào diện cảnh báo từ tháng 4 năm nay, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 33 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trước động thái này, Viettel Global lý giải, do có bất đồng giữa cổ đông tổng công ty và cổ đông sở tại về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty VCR, nên Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2022. Viettel Global đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất chuyển khoản đầu tư vào Công ty VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng.

Ngoài ra, do Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính, cũng như các bằng chứng kiểm toán thích hợp có liên quan nên kiểm toán viên chưa có đủ cơ sở đánh giá Viettel Global có thể thu hồi tất cả các khoản nợ phải thu đối với VCR do đó kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ như trên.

Về phương án khắc phục, Viettel Global cho biết, tổng công ty hiện đang tích cực giải quyết triệt để các bất đồng với đối tác kinh doanh, cũng như đã báo cáo tình hình đầu tư và vướng mắc của dự án liên doanh với Chính phủ Việt Nam, Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư là Cameroon để có hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và giải pháp xử lý.

Bên cạnh đó, Viettel Global cũng đang tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp theo quy định của pháp luật để giải quyết triệt để tranh chấp với cổ đông sở tại, hướng tới bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của tổng công ty.

Tuy nhiên, Viettel Global cho biết do đây là tranh chấp quốc tế, các thủ tục pháp lý cần thận trọng thực hiện vào cần báo cáo đầy đủ, chi tiết tới Chính phủ Việt Nam, nên các tồn tại hiện nay khó giải quyết ngay trong ngắn hạn, Ban Điều hành Viettel Global vẫn đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp để giải quyết, thận trọng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Tin Cùng Chuyên Mục