Ngày pháp luật

Viettel Global (VGI): đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang và không chia cổ tức năm 2021

Hà Linh

Doanh nghiệp nhận định năm 2022 được dự báo là một năm tiếp tục đầy khó khăn, thách thức dành cho ngành viễn thông. Việc thiếu hụt nguyên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, tăng từ 3% - 5%.

Ngày 17/6, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã CK: VGI) vừa tiến hành tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Trong buổi đại hội này đã có nhiều nội dung được thông qua.

Viettel Global (VGI): đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang và không chia cổ tức năm 2021 - Ảnh 1

Cụ thể, Viettel Global  thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 23.000 tỷ đồng, tương đương so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế cũng tương đương năm ngoái là khoảng 880 tỷ đồng. Thuê bao viễn thông và thuê bao số doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch tăng lần lượt 2,5 triệu đơn vị và 6 triệu đơn vị. 

Dự kiến không chia cổ tức năm 2021

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh trong năm 2021 của Viettel Global không được khả quan, doanh thu cả năm đạt 22.168 tỷ đồng, chỉ tăng 9,5% so với thực hiện năm 2020. Lãi sau thuế là 346,8 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là âm 366,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 559,5 tỷ đồng của năm 2020.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Viettel Global dự kiến trình cổ đông không chia cổ tức của năm 2021 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo hợp nhất vẫn âm 4.680 tỷ đồng. Công ty sẽ trích 10% lợi nhuận sau thuế lãm quỹ phúc lợi và khen thưởng cho người lao động và trích 30% làm quỹ đầu tư phát triển. 

Về kết quả kinh doanh của quý I/2022, doanh thu hợp nhất của Viettel Global là 5.437 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 17%. Lãi sau thuế quý I của công ty là 1.403 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ sau thuế 422 tỷ đồng. Cũng trong quý đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 660 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Viettel Global cũng đã thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 đối với ông Tào Đức Thắng do nhà lãnh đạo này đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Viettel. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành bầu thêm 1 thành viên cho HĐQT.

Kinh doanh đầy khó khăn và thách thức trong năm 2022

Phía lãnh đạo của Viettel Global - ông Nguyễn Đạt, Tổng giám đốc chia sẻ, năm 2022 được dự báo là một năm tiếp tục đầy khó khăn, thách thức dành cho ngành viễn thông. Đầu tiên, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, xung đột quân sự Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng. Việc thiếu hụt nguyên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, tăng từ 3% - 5%.

Ông Đạt cũng thông tin thêm năm nay là lần đầu tiên công ty bị "lép vế" trước người bán trong việc mua nguyên vật liệu. Nhiều đối tác không sẵn sàng bán những lô hàng lớn cho Viettel Global, thời gian giao hàng cũng chậm đáng kể gây nên sự thiếu linh kiện điện tử như chip, vi mạch để tổ chức sản xuất kinh doanh. Đây là khó khăn chung của toàn cầu chứ không riêng Viettel Global. 

Ngoài ra, hoạt động đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ đối mặt với các thách thức từ biến động chính trị tại các nước đầu tư, biến động tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ hay các chính sách mới ràng buộc nhà cung cấp viễn thông. Ông Đạt cho rằng biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng nhiều đến công ty, đặc biệt sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. 

Tuy nhiên, năm nay sẽ năm bùng nổ công nghệ 5G khi các quốc gia đẩy mạnh thương mại hóa, các dịch vụ được khai thác cũng được ưu tiên phát triển mạnh, đặc biệt các dịch vụ kết nối nhanh, sử dụng dữ liệu lớn như IoT, Cloud, AI, không gian ảo Metaverse...  Nắm bắt được những xu hướng đó, Viettel Global sẽ bám sát quy hoạch tần số và lộ trình triển khai 5G của một số thị trường tiềm năng, đồng thời song song nghiên cứu các dịch vụ nhằm đảm bảo sẵn sàng cho thương mại hóa.

Kế hoạch M&A để thu hồi vốn

Năm nay, công ty sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu vốn đầu tư tại các công ty ở nước ngoài. Ở thị trường nào có lợi nhuận tốt doanh nghiệp sẽ vay nội địa để tránh những rủi ro về tỷ giá. Còn những thị trường chưa có kết quả tốt thì Viettel Global sẽ tiến hành M&A, có thể thoái vốn một phần hoặc toàn phần. Tuy nhiên quá trình này diễn ra còn chậm vì hành lang pháp lý phức tạp. Cùng với đó, Viettel Global cũng sẽ bán bớt hạ tầng tại một số thị trường, giảm chi phí nhân công và trong trường hợp các nước đó gặp biến động thì công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Việc M&A này có thể giúp doanh nghiệp này thu hồi vốn nhanh hơn, giảm thời gian thu hồi xuống còn 1,5-2 năm. 

Năm nay, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh 4G tại các thị trường châu Phi, Haiti, châu Á cùng với đầu tư dịch vụ cố định băng rộng, phát triển ví điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển thuê bao thông qua cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm; tăng trưởng Apru thông qua đẩy mạnh dịch chuyển thuê bao thoại sang Data; chuyển dịch thuê bao 2G, 3G sang 4G. Năm nay, mục tiêu phấn đấu giữ thị phần số 1 về thuê bao di động tại một số nước Đông Nam Á như tại Campuchia, Myamar, Lào...

Cùng với đó, Viettel Global cũng sẽ tập trung đầu tư cho mảng kinh doanh ví điện tử, đa dạng hóa các dịch vụ có thể sử dụng và mở rộng quy mô thanh toán. Tại thị trường Myanmar, Haiti, công ty đã xin được giấy phép kinh doanh xổ số. Kinh doanh xổ số kết hợp với ví điện tử có thể mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Viettel Global. 

Các tờ trình đều đã được thông qua tại đại hội.

Tin Cùng Chuyên Mục