Ngày pháp luật

Việt Nam vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong quý II/2023

Linh Anh

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế được đưa ra trong buổi tọa đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" diễn ra sáng 11/5.

Tại tọa đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 11/5, tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, lãi suất cao đang ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Lãi suất cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, nhu cầu khởi nghiệp

Theo ông, kinh tế Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn như sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.

Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng bắt đầu tăng từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023, neo cao tới 12 - 13%, thậm chí có ngân hàng lên đến 14,6%. Điều này làm suy yếu thêm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

So với các doanh nghiệp Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như đều chịu nhiều bất lợi cạnh tranh. Đơn cử, doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế về chuỗi cung ứng nội địa, về hệ thống logistics; về trình độ công nghệ, và doanh nghiệp Việt Nam chịu chi phí lãi vay cao gấp gần 3 lần doanh nghiệp Trung Quốc.

Việt Nam vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong quý II/2023 - Ảnh 1

Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam về ngắn và dài hạn không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc thì nguy cơ bị hàng hóa Trung Quốc "đè bẹp" là điều có thể xảy ra. 

Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Bởi lẽ lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng cao, làm chùn bước những người muốn khởi nghiệp. Đồng thời lãi suất cao sẽ không khuyến khích những người có vốn nhàn rỗi đầu tư thành lập doanh nghiệp mà chủ yếu khuyến khích họ gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất và an toàn.

Mục tiêu của Việt Nam là năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới tháng 3/2023 chỉ mới có gần 900.000 doanh nghiệp, con số này còn xa so với mục tiêu đề ra.

Việt Nam còn dư địa để giảm lãi suất

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất cho doanh nghiệp, giúp phục hồi nền kinh tế.

Nhấn mạnh quan điểm này, ông Tú Anh cho hay, nhiều người cho rằng cần kiểm soát tín dụng để kiểm soát lạm phát là không chính xác. Bởi cung tiền mới là yếu tố quan trọng trong điều hành lạm phát chứ không phải là tín dụng.

Việt Nam vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong quý II/2023 - Ảnh 2

Theo vị chuyên gia này, từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong 2 năm 2021 và 2022 do phải chi phí nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch Covid-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.

Như vậy Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Cùng chung quan điểm, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - TS Cấn Văn Lực - đưa ra dự báo, năm 2023 lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất bởi áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV/2023, tín dụng tăng chậm… Nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và giảm được nợ đọng vốn của doanh nghiệp, tiếp tục giải quyết tốt sự ách tắc, cải thiện được môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.

“Lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tín tổ chức dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao… Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023…”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn.

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Đầu tiên là cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Tiếp đến, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Các chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Với tình trạng sụt giảm đơn hàng, cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vaccine. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp.

Tin Cùng Chuyên Mục