Chile: Một nền kinh tế đa dạng có khả năng chống chọi với Covid-19
Trong tất cả các khu vực thị trường, Mỹ Latinh là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19, cả về số ca nhiễm bệnh lẫn tỷ lệ tử vong. Việc phục hồi nhiều hay ít còn tùy thuộc vào năng lực hỗ trợ tài chính của các chính phủ, mức độ hiệu quả khi triển khai vaccine và mức độ phụ thuộc của một quốc gia vào ngành du lịch.
Chile có một môi trường kinh doanh hấp dẫn, được củng cố bởi các thể chế lành mạnh cùng các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả. Nhờ đó mà nền kinh tế Chile có khả năng phục hồi nhanh sau cú sốc mang tên Covid-19, đưa nó trở lại trạng thái sẵn sàng tăng trưởng trong những năm tới.
Nền kinh tế của Chile tương đối đa dạng, với tỷ trọng các ngành nghề có thể làm việc từ xa cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Doanh số bán lẻ và sản xuất đã bắt đầu phục hồi từ quý III/2020, khi mà ngành du lịch và khách sạn tiếp tục suy yếu. Doanh thu xuất khẩu được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá đồng, sản phẩm xuất khẩu chính của Chile. Nước này đã triển khai và đang tăng tốc nhanh nhất trong khu vực về phổ biến vaccine.
Không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng tài chính để hỗ trợ nền kinh tế của họ, nhưng Chile thì khác, nhờ có vị thế tài chính ở mức trung hạn vững chắc. Nợ của chính phủ tương đối thấp cho phép nước này thực hiện một khoản kích thích tài chính lớn (5% GDP).
Hệ thống tài chính cũng được cách ly tốt khỏi các cú sốc bên ngoài, vì ngân hàng trung ương thiết lập được các tiêu chuẩn cho vay một cách thận trọng và uy tín. Giai đoạn đầu của đại dịch, Chile đã bị ảnh hưởng bởi thoái trào dòng vốn. Nhưng khả năng tiếp cận của các công ty đã nhanh chóng được khôi phục nhờ sự hỗ trợ của hạn mức tín dụng linh hoạt từ IMF và hai quỹ đầu tư quốc gia.
Các lĩnh vực hoạt động tốt nhất ở Chile là nông nghiệp, đóng gói và dược phẩm. Trong nông nghiệp và đóng gói, nhu cầu về máy móc và công nghệ đang tăng lên, mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu. Điều tương tự cũng đến với các nước xuất khẩu dược phẩm, vì Chile đang nhập khẩu hầu hết các mặt hàng liên quan đến ngành.
Ai Cập: Tham vọng trở thành trung tâm khí đốt Địa Trung Hải
Theo The Corner, Ai Cập là một thị trường đầy hứa hẹn vì tình hình chính trị ổn định và có sự vượt trội so với các nước cùng khu vực về tăng trưởng GDP. Nhờ chương trình ổn định kinh tế vĩ mô mà quốc gia này đã có một quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ai Cập cũng đã quản lý để cải thiện tài chính công và bổ sung cho dự trữ quốc tế.
Đại dịch đã khiến cho nhiều lĩnh vực tại quốc gia này suy sụp trong năm 2020, điển hình là du lịch và tài nguyên, đặc biệt khi giá dầu suy giảm. Điều đó cho thấy, Ai Cập vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn kiều hối từ các quốc gia vùng vịnh và du lịch. Tuy nhiên, lạm phát thấp đã tạo điều kiện cho Chính phủ quốc gia này nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ. Dự báo từ năm 2022 trở đi, tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng đạt mức trước khủng hoảng.
Xét trên nhiều lĩnh vực thì khí đốt, dược phẩm và CNTT-TT có nhiều triển vọng để thu hút vốn FDI. Nhờ những phát hiện mới về mỏ khí, Ai Cập sẽ mở rộng xuất khẩu khí đốt trong những năm tới và đặt tham vọng trở thành trung tâm khí đốt Địa Trung Hải. Đồng thời, đây cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Ai Cập chính là quốc gia Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đầu tiên phát hành trái phiếu xanh vào cuối tháng 9/2020.
Chính phủ đang tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước, mang lại cơ hội cho các công ty CNTT-TT. Ngoài việc chống lại Covid-19, nhu cầu về dược phẩm sẽ còn gia tăng bởi dân số ngày càng nhiều, dẫn đến chi tiêu chăm sóc sức khỏe cao hơn. Lĩnh vực xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi từ một số dự án cơ sở hạ tầng nằm trong quá trình hoàn thành thủ đô mới.
Senegal: môi trường chính trị ổn định kết hợp với các thể chế mạnh mẽ
Châu Phi là một trong những lục địa khiến nhiều người lo ngại khi Covid-19 ập đến, nơi mà một số quốc gia kém phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém sẽ không thể ngăn chặn virus. Ấy vậy, Senegal đang có thành tích tương đối tốt.
Quốc gia này đã phản ứng với đại dịch bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng do tổng thống Macky Sall chỉ đạo. Đến cuối tháng 6, tình trạng khẩn cấp này đã được gỡ bỏ do nền kinh tế suy thoái từ việc đóng cửa và các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Dakar. Một đợt đại dịch thứ hai đã diễn ra kể từ tháng 11/2020, nhưng số ca mắc vẫn được duy trì ở mức thấp. Senegal được hưởng lợi từ môi trường chính trị ổn định và tăng trưởng GDP cao.
Nước này đã triển khai một kế hoạch ứng phó quốc gia để giải quyết hậu quả do đại dịch gây ra, tiêu tốn khoảng 7% GDP. Trong những năm tới, nền kinh tế sẽ được thúc đẩy nhờ việc mở rộng và xây dựng mới các dự án khai thác khoáng sản, đặc biệt là vàng. Các mỏ dầu và khí đốt chính dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023, mặc dù có thể có sự chậm trễ do hậu quả của đại dịch. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng các công trình công cộng (đặc biệt là mạng lưới giao thông và cung cấp điện).
Các lĩnh vực mang lại cơ hội đầu tư tốt là dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hoạt động sản xuất dầu khí sẽ bắt đầu từ năm 2022, mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong 2-3 năm tới. Giai đoạn hai của PSE sẽ tập trung vào nâng cao năng suất xây dựng giao thông và điện khí hóa các khu vực nông thôn.
Ngoài ra, chính phủ Senegal đang có kế hoạch đầu tư lớn vào năng lượng sạch (các trang trại gió và nhà máy điện mặt trời) và khai thác khoáng sản - đặc biệt là vàng. Tất cả những điều này sẽ mở ra những cơ hội cho các nhà xuất khẩu, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu kho và hậu cần.
Malaysia: môi trường kinh doanh hấp dẫn cùng lực lượng lao động lành nghề
Châu Á là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019. Năm 2020, khu vực này bước vào suy thoái trong thời gian ngắn, không sâu như các khu vực còn lại trên thế giới. Châu Á khá kiên cường trước đại dịch nhờ các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, trên quy mô lớn và một phần do dân số tương đối trẻ.
Nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021, trong đó có Malaysia. Quốc gia này đang có kết quả chống dịch tương đối ổn so với phần còn lại của khu vực, đồng thời cũng có được trạng thái tốt để thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm tới. Dẫu cho suy thoái trong năm 2020, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ phục hồi lên 6,2% vào năm 2021.
Chính phủ đã công bố một gói kích thích tài chính tổng trị giá 322,5 tỷ RM (65 tỷ EUR) cho năm 2021. Với tư cách là thành viên của ASEAN, quốc gia này được hưởng lợi từ các liên kết thương mại chặt chẽ với các nước láng giềng. Một lực lượng lao động có tay nghề cao đang mang lại cho đất nước một vị thế vững chắc trong ngành sản xuất điện tử. Malaysia đang ngày càng nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh sản xuất bởi mức lương phải trả cho lao động ở Trung Quốc đang tăng lên.
Tốc độ tăng trưởng toàn cầu tăng cao khiến năm 2021 trở thành một năm hấp dẫn đối với các ngành định hướng xuất khẩu. Lĩnh vực điện tử và ngành nông nghiệp đang khá ổn định. Mảng hoạt động tốt hơn chính là sản xuất nhựa và cao su phụ vụ cho lĩnh vực y tế, tăng trưởng 212% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu về găng tay và bao bì tiếp tục tăng trong thời kỳ đại dịch.
Cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội. Mặc dù một số dự án bị hoãn hoặc thu hẹp quy mô sau khi xem xét tất cả các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác trong giai đoạn 2018 - 2019, thì chi tiêu phát triển trung hạn và dòng vốn FDI vẫn có khả năng tăng lên dẫn đến đầu tư cao hơn trong dài hạn.
Việt Nam: Xuất khẩu vượt trội trong khu vực
Việt Nam đã rất kiên cường trước đại dịch Covid-19, với các trường hợp nhiễm và tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Việt Nam vẫn đang tiến hành các biện pháp cách ly tại địa phương khi có sự bùng phát dịch bệnh mới. Trước đó, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 291,7 nghìn tỷ đồng (3,6% GDP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chuẩn bị các gói tài chính khác nhưng do hoạt động kinh tế đang tăng lên tương đối nhanh nên phương án này vẫn chưa được sử dụng.
Đây một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái năm 2020 và tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng tốc lên 7,7% vào năm 2021 nhờ xuất khẩu vượt trội khu vực ASEAN. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các công ty muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ, Việt Nam còn được hưởng lợi từ việc tham gia một số hiệp định thương mại (như EVFTA, UKVFTA...) và các chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sau năm 2020 khó khăn, ngành vận tải và hậu cần có tiềm năng tăng trưởng mạnh trở lại vào năm 2021 khi nhu cầu đang tăng lên trên khắp thế giới. Hàng dệt may cũng tăng khả năng xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do với EU và Anh.
Nền kinh tế mở rộng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp thúc đẩy tăng trưởng tiền lương trong trung hạn. Tiêu dùng cá nhân cao hơn mang lại những cơ hội đặc biệt hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng sẽ hưởng lợi chính, với mức tăng trưởng dự kiến là 8,8% vào năm 2021.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng và bất động sản cũng đang tăng cao. Bất động sản du lịch đã thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước trong những năm trước nhưng có thể có sự thụt lùi trong thời gian tới. Tuy vậy, xây dựng khu dân cư sẽ tiếp tục hoạt động tốt. Giá trị gia tăng ngành xây dựng được dự báo sẽ tăng 6,7% vào năm 2021.
Sau sự sụt giảm vào năm 2020, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp cũng dự kiến sẽ tăng trở lại vào năm 2021. Nhu cầu về thuốc trừ sâu và phân bón cũng sẽ tăng để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cao hơn.
Năm 2021 mang đến nhiều hy vọng với nền kinh tế thế giới sẽ sớm hồi phục. Nhờ các điều kiện kinh doanh thuận lợi và có nhiều cơ hội tăng trưởng trên một số lĩnh vực, loạt quốc gia trên được kỳ vọng sẽ thoát khỏi khủng hoảng với triển vọng tăng trưởng tốt.
Link bài gốc