Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến một số Bộ về rà soát việc triển khai Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nghiên cứu trường hợp Nhà nước chỉ giữ 36% hoặc không giữ cổ phần tại đơn vị sự nghiệp công lập sau cổ phần hóa. Trường hợp Nhà nước giữ 36% hoặc trên 50% vốn điều lệ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ KHĐT tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ liên quan, đồng thời lấy thêm ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyên gia nhận định, sau cổ phần hoá, phần lớn doanh nghiệp chưa thay đổi về chất bởi tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước vẫn quá lớn.
TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong năm qua tiến trình cổ phần hoá đã bị chậm lại, không hoàn thành kế hoạch. Chỉ một vài doanh nghiệp (DN) được cổ phần hoá, và cổ phần hoá không thực chất.
Năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 DN, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 DN hoàn thành. Trong khi đó, có 35 DN đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019 (chiếm 55%); 12 DN đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020 (chiếm 23%) và 6 DN không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
“Có những doanh nghiệp bị thúc ép thì làm cho xong và tỉ lệ bán vốn ra ngoài chỉ chiếm 5-10% nên không thực chất. Thực tế là không ai bỏ tiền ra mua để “ông Nhà nước” sử dụng, để muốn làm gì thì làm”, TS. Thế Anh nêu rõ.
Do đó, theo chuyên gia này, cổ phần hoá phải đi vào thực chất, ít nhất phải giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống dưới 65%, hoặc thậm chí là dưới 50%, khi đó khối tư nhân mới nắm được doanh nghiệp đó và có thể đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh của chính họ chứ không phụ thuộc vào Nhà nước.
TS. Phạm Thế Anh cũng bày tỏ băn khoăn về định hướng của “siêu uỷ ban” quản lý vốn Nhà nước đang muốn giữ lại các DNNN để cải thiện, dùng các phương pháp quản lý, điều hành mới để nâng cao hiệu quả của DNNN hay là bước đệm để thu gọn đầu mối quản lý.
“Hiện nay, DNNN được quản lý bởi nhiều bộ phận khác nhau, từ Chính phủ, Đảng, đoàn đến chính quyền từ trung ương tới địa phương, do vậy tôi hy vọng rằng “siêu uỷ ban” sẽ là đầu mối để thu hẹp quản lý để từ đó có phương pháp cổ phần hoá minh bạch hơn, không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Song, cần phải cổ phần hoá, tư nhân hoá mới có thể tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Thế Anh nhấn mạnh.
Về nguyên nhân chậm tiến độ cổ phần hoá, theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT), việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các DN có đất tại nhiều địa phương, đã dẫn đến việc phê duyệt quyết định cổ phần hóa của DN không kịp tiến độ.
Các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị DN (xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai...), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, không ít DN khi cổ phần hóa không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là các DN có tỷ lệ vốn Nhà nước còn cao, dẫn đến một số DN chào bán cổ phần chưa thành công.
Song, cho dù thế nào, thì áp lực cổ phần hóa DNNN đang dồn vào năm 2019 - 2020, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải bứt tốc, ông Lê Mạnh Hùng lưu ý.
Theo Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DNNN và DN có vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 5/1/2019, các trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện./.