Ngày pháp luật

VDSC: FE Credit có thể quay trở lại quỹ đạo lợi nhuận từ năm 2024

An An

VDSC cho rằng, với việc ngân hàng mẹ VPBank tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc cho công ty con này trong suốt 2 tháng qua với sự hỗ trợ của nhân sự SMBC, FE Credit có thể quay trở lại quỹ đạo lợi nhuận từ năm 2024.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và công ty tài chính FE Credit.

Theo nhận định của VDSC, trong 3 tháng đầu năm, VPBank đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại ở tất cả nguồn thu nhập, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động (TOI) sụt giảm cả trên cơ sở quý và năm.

Cùng với chi phí tín dụng tăng cao, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này bị thu hẹp đáng kể, trong đó tác động chính đến từ công ty con tài chính tiêu dùng FE Credit.

Thu nhập lãi thuần (NII) của ngân hàng mẹ VPBank bù đắp hiệu quả hoạt động kém của công ty con khi NII riêng lẻ đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kết quả hợp nhất giảm 3,6% xuống 9.500 tỷ đồng, do NIM giảm mạnh, mặc dù tài sản sinh lãi được mở rộng vừa phải.

Tương tự, thu nhập phí thuần (NFI) của ngân hàng mẹ tăng 43,6% so với cùng kỳ, trong khi NFI hợp nhất chỉ tăng 33,6%, tương ứng lần lượt là 1.600 tỷ đồng và 1.700 tỷ.

Riêng trong quý I, VDSC cho biết, chi phí tín dụng biên hợp nhất của VPBank đã tăng lên 5,9% trong khi con số của ngân hàng riêng lẻ hầu như không đổi so với quý trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ xóa nợ hợp nhất liên tục có xu hướng tăng kể từ đầu năm ngoái trong khi tỷ lệ xóa nợ của ngân hàng mẹ dao động quanh mức 2,5%. Điều này càng cho thấy sự căng thẳng đến từ phía công ty con tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, với việc ngân hàng mẹ đang tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc cho công ty con này trong suốt 2 tháng qua với sự hỗ trợ của nhân sự SMBC, FE Credit có thể quay trở lại quỹ đạo lợi nhuận từ năm 2024.

"Dẫu vậy, vẫn cần theo dõi chặt chẽ quá trình phục hồi kinh tế", các chuyên gia tại VDSC cho biết. Bên cạnh đó, Thông tư 02 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành về nợ cơ cấu cho các tổ chức tín dụng cũng được kỳ vọng hỗ trợ giảm thiểu xu hướng gia tăng nợ xấu ở cả ngân hàng mẹ và công ty con.

Trong thời gian tới, VDSC dự báo tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào bảng cân đối hợp nhất cũng như lợi nhuận của VPBank sẽ giảm do ngân hàng mẹ mở rộng quy mô mạnh mẽ trong 5 năm qua và thoái một phần vốn khỏi công ty tài chính này vào năm 2021.

Giá trị tăng thêm từ mảng tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì vai trò thiết yếu trong kết quả hoạt động của VPBank nhờ tiềm năng chưa được khai thác tại thị trường Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, VPBank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô lớn. Trong quý I/2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đã giảm về mức 2.550 tỷ đồng, chỉ tương đương gần 1/4 lợi nhuận cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý I thấp nhất của nhà băng này kể từ năm 2020. Trong đó, lợi nhuận từ ngân hàng mẹ đóng góp 4.100 tỷ đồng, bị kéo xuống chủ yếu do NIM giảm, trong khi tăng trưởng thu nhập phí thuần tiếp tục duy trì là một yếu tố thuận lợi.

Trong năm nay, VPbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế vượt 24.000 tỷ đồng, cũng là lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD.

Tin Cùng Chuyên Mục